Thứ sáu 08/11/2024 15:36

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”

Trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”, vì vậy, cần hướng đến cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Đó là những chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà về điều hành chính sách tiền tệ trong 5 tháng đầu năm 2023.

Giảm lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 3 lần lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm, trong khi ngân hàng trung ương các nước trên thế giới chưa thông báo về lộ trình chấm dứt tăng lãi suất.

Lý giải về điều này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, trong các tháng đầu năm 2023, ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát vẫn khó lường. Trong nước, lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn; thanh khoản của các tổ chức tín dụng dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; tỷ giá diễn biến ổn định, Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”

Theo Phó Thống đốc, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 3 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4 và 5/2023.

Cụ thể: Giảm 1,0%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giảm 0,5-1,0%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,0%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh trong tháng 2 và tháng 5. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức từ bên ngoài cũng như trong nước đã tác động ra sao đến điều hành chính sách tiền tệ trong 5 tháng đầu năm và Ngân hàng Nhà nước đã hoá giải áp lực đó bằng công cụ, giải pháp như thế nào, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia tiếp tục đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao. Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là tất yếu, không tránh khỏi. Cụ thể, Fed tăng lãi suất với tần suất và tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, 10 lần liên tiếp, tăng 5% trong vòng 14 tháng; thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Ở trong nước kinh tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng. Theo số liệu 4 tháng đầu năm 2023 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Các điều kiện kinh doanh tiếp tục bị thu hẹp khi chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã quay đầu giảm trở lại từ mức 47,7 trong tháng 3 xuống 46,7 trong tháng 4 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 5 dưới mốc 50 trong sáu tháng gần đây.

Ngân hàng nào chia cổ tức tiền mặt cao nhất?

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại lại còn nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bốn định hướng quan trọng

Cũng theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt là các công cụ điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng đứng trước nhiều thách thức, xử lý sao cho hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao và dai dẳng bất chấp việc các nước đã thực hiện cuộc chiến chống lạm phát rất quyết liệt; vừa đảm bảo giá trị của đồng Việt Nam trong bối cảnh nhiều đồng tiền trên thế giới biến động phức tạp mà vẫn phải giảm mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn...

"Khó khăn của nền kinh tế là khó khăn tổng thể, trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống. Bài toán khó đặt ra ở đây là Ngân hàng Nhà nước phải tìm được điểm hài hoà vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng", ông Hà cho biết.

"Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cần hướng đến cân bằng các mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, hướng đến mục tiêu chung dài hạn ổn định hệ thống ngân hàng", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.

Về định hướng điều hành chính sách từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc cho hay: Những tháng còn lại của năm 2023 được dự báo tiếp tục còn nhiều thách thức với điều hành chính sách tiền tệ tới từ diễn biến phức tạp của cả kinh tế thế giới lẫn trong nước. Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước, nhiều ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách lãi suất cao, giá hàng hóa thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước những rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, áp lực lạm phát vẫn còn, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Cụ thể: Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023; chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Chính sách tiền tệ

Tin cùng chuyên mục

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho doanh nghiệp lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Từ 5/1/2025, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ thuộc Ngân hàng Nhà nước

VietinBank lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu

Giá vàng và chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ?

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng 17,3%

10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 1,8%

Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

10 tháng, Việt Nam thu hút 27,26 tỷ USD vốn FDI

Tháng 10, HNX đã huy động thành công 30.575 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Manulife mở rộng quy mô chương trình 'Sống Sạch - Sành - Xanh', khuyến khích người dân ‘khoe’ lối sống khỏe

Tỷ giá tăng, thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Ngân hàng Nhà nước tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'

Lào Cai: Khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3