Phó đại sứ Australia thăm các dự án tài trợ ở Tây Bắc
Chuyến thăm cũng tái khẳng định cam kết của Australia đối với phát triển kinh tế ở các tỉnh vùng Tây Bắc trong khuôn khổ quan hệ đối tác viện trợ lâu dài với Việt Nam thông qua Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (GREAT), chương trình Aus4innovation và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR).
Từ năm 1993, ACIAR đã đầu tư khoảng 32 triệu đô-la Úc thông qua 20 dự án hơp tác nghiên cứu quốc tế ở khu vực Tây Bắc để phát triển các hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc, giúp đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên và môi trường tự nhiên, đồng thời nâng cao thu nhập cho các nông hộ sản xuất nhỏ. Trong chuyến thăm lần này, phái đoàn đã gặp gỡ với nông dân và các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông của các tỉnh Sơn La, Yên Bái và Điện Biên – những người đã tham gia vào một dự án 10 năm do ACIAR tài trợ và Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) thực hiện nhằm phát triển các hệ thống nông lâm theo định hướng thị trường tại vùng Tây Bắc. Tới nay, đã có 425 hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tham gia dự án và phát triển thành công các hệ thống nông lâm kết hợp giúp tăng thu nhập, đồng thời bảo vệ chất lượng đất và môi trường.
Phó Đại sứ Australia Mark Tattersall đến thăm các hộ nông dân nằm trong các dự án do Australia tài trợ |
Dự án GREAT là chương trình đầu tư về phát triển lớn nhất của Australia vào Việt Nam, với tổng trị giá hơn 32 triệu đô-la Úc. Dự án đang hợp tác cùng các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước để xây dựng các hệ thống phát triển thị trường và kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tại hai tỉnh Sơn La và Lào Cai. Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo phụ nữ địa phương và dân tộc thiểu số tham gia tích cực và được hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Chuyến thăm của đoàn tới các đối tác của Dự án GREAT bao gồm Hợp tác xã măng sạch Xuân Nha tại xã Xuân Nha, tỉnh Vân Hồ và buổi giao lưu thân mật cùng phụ nữ địa phương là chủ homestay tại Bản Vặt, huyện Mộc Châu. Đoàn công tác đã được lắng nghe những chia sẻ về cách kết nối giữa các cơ sở sản xuất do phụ nữ địa phương làm chủ, các nhóm du lịch cộng đồng với hệ thống thị trường giá trị cao. Bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự án đã đạt được những kết quả tích cực, bao gồm 2,803 phụ nữ có việc làm mới, 14,833 phụ nữ tham gia vào mạng lưới kinh doanh và 8,5 triệu đô-la Úc được đầu tư từ phía các doanh doanh nghiệp tư nhân vào dự án.
Phó Đại sứ đã cùng với nông dân và doanh nghiệp địa phương tham gia chuyến thăm thực tế do chương trình Aus4Innovation tổ chức, tới CoolBot - một công nghệ bảo quản mát tiên tiến và giá cả phải chăng giúp duy trì chất lượng của rau sau thu hoạch. Việc đầu tư này dựa trên những công việc mà cả ACIAR và dự án GREAT đã triển khai, đồng thời bổ sung công nghệ tiên tiến để hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường và tăng thêm thu nhập của họ. Cho đến nay, tám kho lạnh và hai xe tải lạnh đã được chuyển giao cho các hợp tác xã địa phương. Kết quả ban đầu chỉ ra rằng với việc bảo quản mát và vận chuyển, hao hụt rau có thể giảm từ 50% xuống còn 25% nếu áp dụng công nghệ mới này; tăng thời gian bảo quản đối với cà chua và bắp cải từ 5 ngày lên 21 ngày và lợi ích kinh tế cho người sử dụng có thể cải thiện từ 10-30%.
Trong buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, Phó Đại sứ ghi nhận mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Australia và Sơn La, thảo luận về đầu tư của Australia vào tỉnh và tìm kiếm các cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên.
Phó Đại sứ Australia Mark Tattersall làm việc vởi UBND tỉnh Sơn La |
Ông chia sẻ: “Quan hệ đối tác giữa Australia và các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam là mối quan hệ sâu sắc và lâu dài, trên các phương diện như chương trình phát triển dài hạn, liên kết mạnh mẽ giữa con người với con người, cũng như sự đầu tư đáng kể của Australia vào các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Australia sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ này, bao gồm việc vạch ra một lộ trình chung hướng tới phục hồi hậu COVID-19 và thực hiện cam kết chung của Australia và Việt Nam hướng tới mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.”