Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Giải quyết nhiều thách thức an ninh năng lượng quốc gia
Trả lời Công Thương sáng 16/5, chuyên gia kinh tế TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nhận định việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết về biến đối khí hậu của Việt Nam như phát thải ròng bằng không (net zero) hoặc Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Như đã nêu trong Quyết định phê duyệt, Việt Nam sẽ không xây mới các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030 và thực hiện chuyển đổi dần các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng các dạng nhiên liệu sạch như sinh khối, ammonia nhằm đưa đỉnh phát thải khí nhà kính về năm 2030 như đã cam kết.
Đối với các dự án điện khí, Quy hoạch điện VIII ưu tiên triển khai các dự án sử dụng nguồn khí nội địa và chỉ sử dụng khí LNG trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Năng lượng tái tạo được đặc biệt ưu tiên phát triển trong bản Quy hoạch điện lần này, với định hướng đạt tỷ trọng khoảng 70% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2050, và thúc đẩy đầu tư điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng với mục tiêu phủ kín 50% mái các toà nhà công sở và nhà dân.
“Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII sau 2 năm rà soát cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện để giúp giải toả công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam, cũng như các tuyến đường dây 500 kV giúp cân đối cung cầu giữa 3 miền Bắc - Trung – Nam”, chuyên gia Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.
Quy hoạch Điện VIII là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các dự án nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn 2021 - 2023 (Ảnh: EVN) |
Đồng quan điểm, TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng, cho rằng Quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện hết sức phức tạp cả trên thế giới lẫn trong nước. Việt Nam đang đi vào xu hướng phát triển điện xanh, sạch theo những cam kết tại COP26. Do đó, quy hoạch lần này được xây dựng rất kỹ, hết sức cẩn thận, nhưng lại có nhiều nội dung mang tính đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được. Đây là điều chỉnh mới và tốt, phù hợp với quan điểm xây dựng quy hoạch mở. Trong quá trình thực hiện quy hoạch sẽ cập nhật, tính toán, điều chỉnh dựa trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội thực tế ở mỗi giai đoạn, phù hợp với sự tăng trưởng công nghệ thế giới và điều kiện phát triển của Việt Nam.
Theo chuyên gia, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đảm bảo nguồn điện kịp thời, giảm nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2025 – 2030. Bởi khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ giúp các dự án đang xây dựng hiện nay đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng để đáp ứng nhu cầu điện cho những năm tới. Thực tế cho thấy, có nhiều công trình triển khai xây dựng nhưng chưa có phê duyệt của Quy hoạch điện VIII nên bị chậm tiến độ.
Thứ nữa, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch với định hướng mở, đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng đủ cho nhu cầu phụ tải. Chính vì thế việc phê duyệt này đem lại định hướng rất chi tiết cụ thể nhưng lại không bị khóa chặt như quy hoạch cũ.
Nhìn chung, Quy hoạch điện VIII vừa đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vừa thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiê cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) khẳng định việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa rất lớn vưới việc đảm bảo an toàn an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đầu tiên sẽ giúp những dự án nguồn điện lớn triển khai đúng tiến độ có thể hoà vào lưới điện quốc gia đúng kế hoạch, khi các dự án lưới truyền tải điện được hoàn thành đồng bộ.
Thứ nữa, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm (trong giai đoạn 2021 -2030), khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong (giai đoạn 2031 - 2050). Điều này giúp đảm bảo an toàn an ninh năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
“Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”, ông Long nhấn mạnh.
Bộ Công Thương có vai trò quan trọng
Theo TS Hà Đăng Sơn, so với các bản quy hoạch trước đó, Quy hoạch điện VIII phải giải quyết rất nhiều thách thức mới trong đó có việc tích hợp với tỷ trọng lớn các nguồn điện tái tạo bất ổn định, cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết đầy tham vọng về phát thải ròng bằng không cũng như JETP.
“Bộ Công Thương, với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhiều tổ chức quốc tế, đã áp dụng những phương pháp luận và công cụ lập quy hoạch điện tiên tiến để giải quyết các thách thức này, và đã liên tục cập nhật dự thảo Quy hoạch điện VIII theo các yêu cầu mới phát sinh, như cam kết COP26, tuyên bố JETP, hay các yêu cầu về tính "động" và "mở", nhằm đảm bảo vừa đáp ứng các ưu tiên về an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng xu hướng dịch chuyển ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nhận định.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện (Ảnh: VGP) |
Tương tự, TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng, cho rằng thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo rất sát đơn vị tư vấn là Viện Năng lượng để lập Quy hoạch Điện VIII. Đặc biệt trong giai đoạn từ 4/2022 đến 4/2023 đã rất sát sao trong việc cập nhật thông tin dữ liệu, chỉ đạo đơn vị tư vấn, chỉnh sửa bổ sung các kịch bản, để có thể có kịch bản phù hợp với tình hình biến động nhanh của thế giới cũng như yêu cầu của Việt Nam nhằm đảm bảo cam kết quốc tế, trong đó có cam kết quan trọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
“Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo theo tinh thần Chính phủ, Nhà nước, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có các kịch bản mình khác với trước. Trong chuyển dịch phát triển năng lượng, đã tính đến cả phương án chúng ta có thể có các trung tâm năng lượng tái tạo, không chỉ đấu lưới Việt Nam mà còn phục vụ xuất khẩu, đó là những cái rất mới. Năng lượng tái tạo kèm nguồn linh hoạt, nguồn dự trữ thủy điện tích năng, năng lượng tái tạo để sản xuất hydro, ammoniac… cho phát triển năng lượng xanh. Đây là những nội dung rất hay, rất tốt trong Quy hoạch Điện VIII để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, TS Ngô Tuấn Kiệt nhấn mạnh.