Trước đó, theo đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam gửi tới Thủ tướng, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô nhiên liệu sạch để hòa nhập kịp thời với xu hướng phát triển chung của thế giới, khu vực. Việc này cũng giúp những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam có thể sản xuất ôtô nhiên liệu sạch định hướng thị trường nội địa theo hướng bảo vệ môi trường và xuất khẩu.
Trên thực tế, hiện chỉ có VinFast tiên phong cho dòng xe ôtô điện "Made in Vietnam" và đã chào bán mẫu đầu tiên tại Việt Nam mang tên VF e34 vào tháng 3/2021. Dự kiến, lô xe đầu tiên sẽ bàn giao vào cuối tháng 12/2021 với khoảng gần 100 xe. Trong tháng 1/2022, VinFast sẽ tiếp tục bàn giao gần 2.000 xe cho các khách hàng đã đặt cọc cho mẫu ôtô điện đầu tiên của Việt Nam.
Mitsubishi cũng đã từng đưa mẫu xe điện về Việt Nam thử nghiệm, nghiên cứu khả thi hay KIA cũng đang có kế hoạch lắp ráp xe điện tại nhà máy Thaco - Chu Lai... Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường xe ôtô điện vẫn phải chờ các hãng hoàn thiện hạ tầng.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Cần chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển
Đưa ra giải pháp về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng, muốn phát triển xe điện cần có một số giải pháp như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện…
Dưới góc độ doanh nghiệp, VinFast cũng mong muốn Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải sớm kiến nghị Chính phủ có quy định về phương tiện đầu tư công mới (xe con, xe buýt) phải bắt buộc là xe điện. Đồng thời, có chính sách khuyến khích như miễn thuế, phí, ưu đãi lãi suất, không hạn chế xe điện đi vào phố cấm... Cùng với đó, ưu đãi miễn giảm các loại thuế, ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc.
Để kích cầu thị trường trong khi doanh số tiêu thụ xe điện hiện khá nhỏ giọt, ông Đào Công Quyết - Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) - đề xuất, thời gian khởi đầu đến năm 2030, cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại thuế phí liên quan cho từng dòng xe điện hóa. Về trạm sạc, phải đưa ra tiêu chuẩn hỗ trợ phát triển mạnh lưới sạc nhanh, sạc tại nhà. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhà máy, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển… với doanh nghiệp sản xuất.
"Các ưu đãi này sẽ giảm dần ở giai đoạn tiếp theo khi xe điện đã có thị phần nhất định trên thị trường. Từ sau năm 2050, xe điện sẽ không cần các chính sách hỗ trợ riêng" - ông Đào Công Quyết gợi mở.
Theo kịch bản của VAMA sẽ hướng tới mục tiêu 100% xe điện vào năm 2050, lộ trình chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn khởi đầu từ năm 2021 - 2030; giai đoạn tăng trưởng nhanh từ năm 2030 - 2040. Sau đó, tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2040 - 2045 và hợp nhất ngành công nghiệp từ năm 2045 - 2050.
Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam cũng đã khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |