Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh |
Văn hóa khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm quan trọng của đất nước: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa; cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 10 năm. Cũng trong năm 2021, đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây nên nhiều thiệt hại lớn, trong đó có ngành văn hóa, thể thao và du lịch… Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chương trình cụ thể của Chính phủ, cùng sự đồng lòng đồng sức của nhân dân, Việt Nam đang từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước về trạng thái “bình thường mới”.
Phải coi văn hóa và con người là trọng tâm chính khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường |
Bên cạnh đó, hội nghị còn là dịp để mỗi người cùng nhìn lại một cách sâu sắc hơn chặng đường sau 35 năm đất nước đổi mới, nhất là về lĩnh vực văn hóa đã đạt được thành tựu gì, gặp những khó khăn gì, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, để từ đó có nhận thức và hành động đúng; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác văn hóa giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045, và trên trục xuyên suốt đó phải coi văn hóa và con người là trọng tâm chính khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Sau hội nghị, chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa, bao trùm và xuyên suốt là xây dựng cho được môi trường văn hóa, theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân”.
Để cụ thể hóa hành động, ngay trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những tác động to lớn với kinh tế - xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đạt mục tiêu, chiến lược đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa cần tự tin làm chủ thị trường
Việt Nam bước chân vào thị trường công nghiệp văn hóa muộn hơn nhiều nước trên thế giới. Nó chỉ thật sự trở thành vấn đề được quan tâm từ năm 2016 sau Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành, một lần nữa, công nghiệp văn hóa được nhấn mạnh là vấn đề cần được ưu tiên.
Thực tế cho thấy, từ hồn cốt của văn hóa dân gian đã có nhiều sản phẩm điện ảnh, văn học, mỹ thuật, thời trang, du lịch… lấy làm cảm hứng sáng tạo, mang lại giá trị cao về vật chất. Minh chứng rõ nét, ngay sau 1 năm Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có hiệu lực, doanh thu ngành điện ảnh Việt đã đạt 3.228 tỷ đồng, tương đương 140 triệu USD. Năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỷ đồng, tương đương khoảng 145 triệu USD. Năm 2019, thống kê riêng từ các rạp phim lớn trên cả nước, tổng doanh thu màn ảnh Việt đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 178 triệu USD. Các lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa cũng tăng trưởng mạnh, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy, quảng bá các giá trị văn hóa của đất nước Việt Nam ra thế giới.
Trong 2 năm 2020 và 2021, công nghiệp văn hóa phải đương đầu với những khó khăn, thách thức lớn do dịch bệch Covid-19, khiến doanh thu của ngành không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu.
Tuy đã đạt được thành công nhưng thẳng thắng nhìn nhận, công nghiệp văn hóa vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam và vẫn đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Có thể kể đến, năng lực thiết kế sản phẩm chưa cao, chưa có sự hỗ trợ thường xuyên giữa khối thiết kế chuyên nghiệp với các nghệ nhân văn hóa dân gian. Bởi lẽ, các nghệ nhân thường làm theo cách thức truyền thống, họ chưa được tiếp xúc nhiều với giới thiết kế để đổi mới mẫu mã mạnh mẽ. Do đó, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đương đại.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chắc chắn là một lựa chọn hợp lý cho phát triển văn hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, thể hiện chức năng kinh tế của văn hóa. Quan trọng là thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, chúng ta tạo ra sức sống mới cho các di sản văn hóa, khai thác tốt hơn vốn văn hóa của dân tộc, tài năng của các văn nghệ sỹ, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra khắp thế giới…