Thứ hai 23/12/2024 05:08

Phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững: Giải pháp nào?

Làm thế nào lấp đầy lỗ hổng thị trường lao động đang là câu hỏi khó với doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cả các chuyên gia trong ngành.

Doanh nghiệp “kêu” thiếu

7 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp và thương mại đều đạt kết quả khả quan. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩuđạt hơn 433,6 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu trên 1,0 tỷ USD.

Dù vậy, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn đang có dấu hiệu giảm tốc. Ngoài khó khăn về thị trường, thiếu lao động là nguyên nhân vô cùng quan trọng. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phản ánh: Dệt may là ngành thâm dụng lao động và chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của dịch Covid-19. Nhiều công nhân về quê đã không trở lại làm việc, hiện tình trạng thiếu lao động đang diễn ra cục bộ ở một số địa phương và thành phố lớn. Đặc biệt, những doanh nghiệp ở các thành phố làm việc 3 ca tuyển dụng lao động rất khó khăn, chi phí đào tạo tăng, năng suất của lao động mới tuyển thấp.

Ngành cũng đang thiếu lao động ở một số lĩnh vực then chốt như kéo sợi, dệt nhuộm. Cùng đó là vấn đề cạnh tranh lao động với các ngành sản xuất khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thiếu lao động cho sản xuất không chỉ tồn tại trong ngành dệt may mà đang khá phổ biến và làm đau đầu nhiều doanh nghiệp da giày, thuỷ sản, chế biến gỗ và lâm sản…

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, bày tỏ: Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp bị suy giảm nguồn lực, cộng hưởng với thiếu hụt lao động đã gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ đang rất khó khăn vì thiếu hụt nhân lực.

Mặt khác, làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu sau dịch Covid-19 cũng đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực để nắm bắt.

Đáng nói, không chỉ thiếu lao động, doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã gây mất ổn định lao động. “Hiện tượng này đã cảnh báo về tính bền vững của thị trường lao động và cần phải có những giải pháp làm “kiên cố” yếu tố bền vững này”, TS. Tô Hoài Nam nhận định.

Doanh nghiệp sản xuất "kêu" thiếu lao động

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố hồi đầu tháng 8 đã khái quát một cách chính xác về tình trạng thiếu lao động của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, có khoảng hơn 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý; 68% doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật theo việc làm cụ thể. Nguyên nhân một phần là bởi các chính sách, chi phí đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam chưa cao, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Trên thực tế, bài toán thiếu lao động cho các ngành sản xuất đã xuất hiện từ lâu và trở nên khó giải hơn sau dịch Covid-19 khi số lao động dịch chuyển từ nghề này sang nghề khác, từ địa phương này sang địa phương khác biến động nhiều.

Cảnh báo về chất lượng lao động

Bên cạnh tình trạng thiếu lao độngcho hoạt động sản xuất, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành công nghiệp nền tảng và phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá của đất nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Đồng Trung Chính - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, cho hay: Chất lượng lao động đang có vấn đề, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Nhu cầu đi học hiện nay của xã hội tiếp cận với học nghề chưa được nhiều, trên thực tế tâm lý của gia đình của học sinh là đi học đại học để lấy bằng chứ chưa phải là đi học nghề để lấy việc làm.

Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo ra lực lượng lao động chưa đạt chất lượng mà doanh nghiệp cần, tiệm cận giữa đào tạo và thực tế hiện nay đang có một khoảng cách. Do đó, khi tuyển dụng lao động các doanh nghiệp vẫn mất công đào tạo lại.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm: Thực trạng giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay là đào tạo ở bậc đại học hay trên đại học thì nhiều nhưng công nhân lành nghề thì lại ít. Trong khi đó, với những ngành sản xuất mang tính kỹ thuật cao không đòi hỏi lao động mang tính cao hẳn như đại học hay trên đại học mà là công nhân lành nghề hay kỹ thuật viên đào tạo 3 năm ở trường nghề.

Một vấn đề nữa, các trường đào tạo của Việt Nam vẫn chưa theo yêu cầu thị trường. Để khắc phục, giáo dục đào tạo nghề của Việt Nam cần chú trọng đến nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường thay vì đào tạo theo chủ quan của mình.

“Muốn làm được như vậy, chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể. Ví dụ, đến năm 2025 Việt Nam cần bao nhiêu công nhân trong những lĩnh vực nào để có kế hoạch đào tạo phù hợp theo yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có những chính sách nâng cao năng suất lao động, muốn làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, của Nhà nước nhằm tạo “cú huých” cho đào tạo nguồn lao động”, TS. Trần Toàn Thắng bày tỏ.

“Kế” hay từ các chuyên gia

Lao động vốn được nhận định là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trong trung hạn, lao động vẫn là lợi điểm của các ngành xuất khẩu, nhất là những ngành thâm dụng lao động, chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao.

Trong bối cảnh đó, làm thế nào để giải quyết bài toán thiếu nhân lực trước mắt và về lâu dài để Việt Nam có nguồn nhân lực tốt phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là câu chuyện cần bàn.

Thị trường lao động Việt Nam đang thiếu nhân lực chất lượng cao

Về phía doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam cho rằng: Đã có sự thay đổi trong mối quan hệ doanh nghiệp - người lao động, đòi hỏi doanh nghiệp với tư cách là người sử dụng lao động phải chủ động hơn trong trong việc xây dựng phúc lợi trên nền tảng lương. Thay bằng 1-2 lần/tháng như trước đây, nay nhiều doanh nghiệp đã trả lương 2-3 lần/tháng, thậm trí 4 lần/tháng để kịp thời đáp ứng yêu cầu của người lao động.

Sinh kế đi liền chất lượng cuộc sống và ngược lại, khi người lao động ổn định cuộc sống, hài lòng, tin tưởng thì năng suất làm việc sẽ tăng, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường lao động. Chăm lo cho người lao động nên được coi là phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đó cũng là xu hướng quản trị chung mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới. “Vì thế theo tôi, doanh nghiệp cần xác định, ưu tiên chăm lo cho lợi ích của người lao động chính là tạo điểm tựa để giữ chân và giúp người lao động gắn bó lâu dài”, TS Tô Hoài Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, để giải bài toán nhân lực, sớm phục hồi thị trường lao động, cần có giải pháp lớn của Chính phủ, trong đó về lâu dài phải thực hiện thành công mô hình kết nối Nhà nước - nhà trường- doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực.

Ở góc độ đơn vị đào tạo nghề, TS. Đồng Trung Chính, cho rằng: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp phải có chính sách phối hợp với các trường đào tạo nghề để có chương trình đào tạo cụ thể, phù hợp.

Trong dài hạn, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách xuyên suốt làm sao có sự hợp tác thực sự giữa 3 bên: Doanh nghiệp - nhà trường - người học để hỗ trợ cho người học về nhu cầu nghề nghiệp và vấn đề kinh tế. Mặt khác, trong quá trình đào tạo, trang thiết bị thực hành để sát với yêu cầu của doanh nghiệp thì các trường không có đủ nguồn lực để đầu tư, do đó rất cần có chính sách cụ thể để gắn kết với doanh nghiệp.

Ngày 20/8, Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" sẽ diễn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Hội nghị nhằm tìm ra lời giải cho bài toán thiếu lao động của doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho sự phát triển của đất nước. Sự kiện thu hút sự quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn của các chuyên gia, trường đào tạo và cả người lao động.
Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường lao động

Tin cùng chuyên mục

Chi trả lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp khó tuyển được lao động

Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng: Điểm đầu vào đại học thấp vì tư tưởng thích đại học hơn học nghề

Doanh nghiệp ‘nới’ tuổi tuyển dụng lao động để đáp ứng đơn hàng

Đảm bảo an toàn cho phụ nữ ra nước ngoài làm việc

Bộ Nội vụ nghiên cứu chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh gọn bộ máy

Nhân sự 2/12: Tỉnh ủy Thái Bình bầu Bí thư; Tỉnh ủy Hưng Yên, Tuyên Quang bổ nhiệm nhân sự chủ chốt

Chạy đua cày cuốc cuối năm, làm gì để thanh lọc làm mát cơ thể

Nhân sự địa phương: Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam cùng nhiều tỉnh phía Nam bổ nhiệm cán bộ chủ chốt

Uống Trà Xanh Không Độ giảm căng thẳng khi nỗ lực làm ngày cày đêm chạy đua với tết

Nhân sự 29/11: Bộ Ngoại giao bổ nhiệm lãnh đạo Vụ; Cục Hải quan Lạng Sơn, Hải Phòng có tân lãnh đạo

Nhân sự 28/11: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải có tân Bộ trưởng; Quốc hội bổ nhiệm nhân sự mới

Nóng: Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Công an xử lý người đưa tin sai sự thật về sáp nhập tỉnh, thành

Doanh nghiệp tuyển 7.000 việc làm tại Ngày hội tuyển dụng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Nhân sự 27/11: Bộ Xây dựng bổ nhiệm Chánh văn phòng; Hòa Bình, Hà Giang điều động cán bộ chủ chốt

Nhân sự 26/11: Bộ Tài chính bổ nhiệm lãnh đạo cục, vụ; Tỉnh ủy Thái Bình, Hà Nam có nhân sự mới

Bài 2: Khi phụ nữ được trao quyền "dẫn dắt" doanh nghiệp

Nhân sự 25/11: Đồng ý cho các ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Thể thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Sôi động thị trường lao động tại các khu công nghiệp dịp cuối năm