Phát triển NLTT là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm thực thi chiến lược tăng trưởng xanh, để góp phần vào mục tiêu này, trong những năm qua, Tập đoàn Hà Đô đã đầu tư nhiều dự án, vậy những dự án này bước đầu đã phát huy hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có điều kiện thuận lợi về phát triển NLTT như thủy điện và các nguồn năng lượng mới khác như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. NLTT được xem là nguồn năng lượng tiềm năng có thể đáp ứng được nhu cầu điện năng cho hệ thống điện trong thời gian tới.
Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4 |
Phát triển năng lượng từ năm 2004, tính đến nay Tập đoàn Hà Đô chúng tôi đã và đang đầu tư xây dựng và quản lý vận hành 5 dự án thủy điện trong đó có 3 dự án đang vận hành với tổng công suất 120 MW gồm dự án Thủy điện Za Hưng phát điện năm 2009, dự án thủy điện Nậm Pông phát điện vào năm 2013 và dự án thủy điện Nhạn Hạc phát điện vào năm 2018, dự kiến chúng tôi sẽ có dự án thứ 4 là dự án thủy điện Sông Tranh 4 công suất 48 MW dự kiến vận hành phát điện vào Quý II/2020 và dự án thủy điện Đăk Mi 2 công suất 100 MW đi vào vận hành quý IV/2020, nâng tổng công suất điện của Tập đoàn lên 270MW cung ứng ra thị trường 1.080 triệu KWh điện/năm. Các Nhà máy đều vận hành ổn định không làm ảnh hưởng đến môi trường đặc biệt là việc tuân thủ các quy trình về vận hành hồ chứa.
Đặc biệt vào cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Hà Đô chính thức hòa lưới điện quốc gia thành công dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 với tổng công suất lắp đặt là 48 MWp được đầu tư trên diện tích đất 57,6 ha thuộc xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến của các nước G7 như: sử dụng công nghệ trục xoay một chiều – tracking system của Ideematec (Đức) mang lại điện lượng cao hơn công nghệ giá đỡ cố định đến 25% và ổn định, điện lượng hàng năm đạt 92 triệu kWh. Khi đi vào vận hành ổn định, dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 mang lại doanh thu xấp xỉ 200 tỷ đồng mỗi năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, cụ thể dự án sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng cho 46.040 hộ gia đình, làm giảm phát thải CO2 ra môi trường 62.700 tấn/năm.
Ông Chu Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô |
Các dự án NLTT của của Tập đoàn Hà Đô đi vào vận hành không chỉ bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia mà còn mang lại công ăn việc làm và tạo thu nhập cho hàng nghìn người dân địa phương tại các tỉnh như Nghệ An, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận,... góp phần vào phát triển an sinh xã hội. Hiện tập đoàn đã cung cấp cho điện lưới quốc gia hơn 1,6 tỷ KWh điện với doanh thu lũy kế trong lĩnh vực năng lượng đạt hơn 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng.
Nhiều dự án NLTT đã phải “bán” khi còn trên giấy vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của Tập đoàn Hà Đô trong quá trình triển khai dự án điện mặt trời Hồng Phong 4?
Năng lượng là lĩnh vực đầu tư đặc thù, do phải đầu tư vốn lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn rất dài (khoảng 12 - 20 năm), rủi ro biến động của điều kiện tự nhiên và thị trường rất lớn (cả thị trường điện và thị trường tài chính), bởi vậy đây là lĩnh vực chỉ dành cho các Nhà Đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Trong khi đó, 80% các Nhà đầu tư không có năng lực tài chính để thực hiện dự án, 10% các Nhà đầu tư có năng lực tài chính nhưng không có kinh nghiệm trong đầu tư ngành năng lượng. Số lượng nhà đầu tư đạt cả hai tiêu chí trên hiện rất ít.
Ở Tập đoàn Hà Đô chúng tôi đang hội tụ đủ các điều kiện này, cụ thể chúng tôi đã có kinh nghiệm quý báu mà ít nhà đầu tư có được trong việc phát triển nhiều dự án thủy điện, điện mặt trời. Chúng tôi có đủ năng lực tài chính để tham gia đủ phần vốn tự có cần có cho mỗi dự án. Thực tế chúng tôi đều thực hiện các nghĩa vụ góp vốn đối ứng tham gia đầy đủ và trước khi các nhà tài trợ, các ngân hàng giải ngân.
Đồng thời chúng tôi luôn có các giải pháp thích hợp để có thể tạo ra nguồn điện năng với giá thành nhỏ hơn hoặc bằng mức trung bình của ngành, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá. Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô luôn được các ngân hàng đánh giá xếp hạng tín dụng rất tốt, đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp huy động đủ vốn cho các dự án với lãi suất rất ưu đãi.
Và quan trọng nhất là chúng tôi sở hữu một đội ngũ gồm các chuyên gia hàng đầu về tài chính, đầu tư, bên cạnh đó là đội ngũ chuyên gia kỹ thuật về ngành điện luôn tiên phong trong nhiều giải pháp hữu ích, tận tâm và trách nhiệm với nghề nghiệp. Chúng tôi tin rằng bất kỳ dự án nào mà chúng tôi đầu tư đều sẽ mang lại thành công và hiệu quả kinh tế tốt nhất. Đây là toàn bộ những yếu tố tạo nên thành công của chúng tôi tại dự án Hồng Phong 4.
Những bước đi tiếp theo của Hà Đô trong lĩnh vực NLTT, thưa ông?
Dự kiến đến năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mới thêm 11 dự án điện mặt trời, điện gió. Sau điện mặt trời và điện gió, tiến tới Tập đoàn Hà Đô sẽ nghiên cứu phát triển thêm lĩnh vực năng lượng tái tạo khác, phấn đấu đến 2025 Hà Đô sẽ sở hữu khoảng 500 MW các nhà máy điện. Chúng tôi thấu hiểu rằng năng lượng là động lực phát triển của bất kỳ nền kinh tế nào, chỉ khi có đủ năng lượng, nền kinh tế mới phát triển. Hơn nữa, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì chỉ có đi theo hướng phát triển các dạng năng lượng sạch, giảm nguy cơ tác động xấu đến môi trường, đó mới là cách tạo ra giá trị cho xã hội.
Xin cảm ơn ông!