![]() |
Điện lực huyện Châu Thành-Trà Vinh lắp công tơ điện cho hộ gia đình Khmer chưa có điện |
Nằm về phía hạ lưu giữa sông Tiền và sông Hậu, giáp với biển Đông, Trà Vinh có tiểu vùng phù sa nhiễm mặn được ngọt hóa và đất mặn ven biển bao gồm toàn bộ các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và một phần các huyện Tiểu Cần, Châu Thành. Đây là tiểu vùng động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh với thế mạnh về kinh tế biển, khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy- hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển công nghiệp, diêm nghiệp, thương mại và du lịch biển; bảo vệ, trồng mới và khôi phục vành đai rừng phòng hộ xung yếu ven biển, ven sông.
Điều kiện tự nhiên của Trà Vinh dễ bị ảnh hưởng bởi biến đối khí hậu. Từ đầu năm 2016, ảnh hưởng nước mặn, khô hạn đã gây thiệt hại cho sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái, cá nuôi, làm cho giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh suy giảm đáng kể. Quý I/2016, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,32% so với cùng kỳ năm 2015. Diện tích lúa đông-xuân bị hao hụt sản lượng khoảng 117.771 tấn và thiệt hại 54ha lúa vụ hè thu, gần 69.000 người dân thiếu nước sinh hoạt.
Mục tiêu của Trà Vinh giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng GDP bình quân đạt 15%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, đến năm 2020 đạt 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tỷ lệ đô thị hóa đạt và 30% vào năm 2020. Hiện tỉnh có 3 Khu công nghiệp Cổ Chiên, Định An, Long Đức, trong đó tập trung xây dựng Khu kinh tế Định An thành một trong những trung tâm phát triển dịch vụ của vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, Trung tâm điện lực Duyên Hải…
Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2016 - 2018, EVN SPC sẽ xây dựng 6 công trình trọng điểm. Trong đó, 5 công trình hoàn thành vào năm 2017 gồm: Trạm biến áp 110 kV (40MVA) Trà Cú và đường dây 110 kV Cầu Kè – Trà Cú – Duyên Hải có chiều dài 48 km với số vốn đầu tư 248 tỷ đồng; Trạm biến áp 110 kV (40MVA) Cầu Ngang và đường dây đấu nối dài 1 km có vốn đầu tư 43 tỷ đồng; cải tạo trạm biến áp 110 kV Trà vinh, vốn đầu tư 12 tỷ đồng; phân pha dây dẫn đường dây 110 kV 171 Trà Vinh 2 đến 176, 177 Vĩnh Long 2 dài 63 km, vốn đầu tư 119 tỷ đồng; lộ ra 110 kV của trạm 220 kV Trà Vinh dài 7 km được đấu nối vào đường dây Vũng Liêm-Long Đức, vốn đầu tư 34 tỷ đồng. Riêng phân pha dây dẫn đường dây 110 kV từ 172 Trà Vinh 2 đến 171 – 7 dài 34 km với số vốn đầu tư 54 tỷ đồng sẽ đóng điện vào năm 2018. Bên cạnh đó, EVN SPC còn đầu tư dự án cung cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 307 tỷ đồng, gồm các công trình: 190 km đường dây trung thế, 511 km đường dây hạ thế và 13,31 MVA dung lượng trạm biến áp phân phối cung cấp điện cho trên 12.260 hộ dân.
Trà Vinh hiện có hơn 261.000 hộ dân sử dụng điện, đạt tỷ lệ 98%. EVNSPC đang nỗ lực chỉ đạo, ưu tiên nguồn vốn hoàn thành các công trình điện trên địa bàn Trà Vinh nhằm cải tạo, nâng cấp lưới điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định ở các vùng sâu, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |