Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với Đắk Lắk về bảo vệ, phát triển rừng Bắc Kạn cần duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng |
Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh uỷ Đắk Lắk tổ chức. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì hội thảo.
Cùng tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, các cơ quan liên quan của 5 tỉnh Tây Nguyên; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện một số Hiệp hội; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo |
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là những nhiệm vụ giải pháp đột phá tạo động lực để phát triển bền vững rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, Hội thảo là một sự kiện quan trọng và ý nghĩa trong bối cảnh đất nước đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bền vững và hiệu quả. Đặc biệt là với vùng Tây Nguyên - một vùng có vai trò chiến lược trong an ninh quốc gia, có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và là một trong các vùng có diện tích rừng lớn nhất cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất v ới hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo. |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội; các Nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cả nước, trong đó chú trọng tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày 10 tham luận, trong đó có 2 tham luận của các bộ: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 03 tham luận của đồng chí Lãnh đạo Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; có 4 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và tham luận của đại diện doanh nghiệp. Với các nội dung: Chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và định hướng bổ sung, hoàn thiện; Khai thác tiềm năng, dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Việc thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 13 của tỉnh Đắk Nông; Lâm Đồng chuyển đổi kép xanh và công nghệ số ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triền bền vững cho vùng Tây Nguyên; Bảo đảm sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam; Định hướng chủ đạo trong phát triển bền vững tại Tây Nguyên; Phát triển nông lâm nghiệp bền vững từ mô hình cà phê vườn hữu cơ theo hệ sinh thái rừng.
Đoàn chủ tọa Hội thảo. |
Các báo cáo, ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào những nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể là: Những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; về kinh tế, đã thay đổi cơ cấu sản xuất lâm nghiệp theo hướng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp; về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động, trong đó, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao chiếm tỷ lệ lớn; về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận về những hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, Hội thảo đã có nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện tốt tiến trình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của Ban Tổ chức, cảm ơn các ý kiến tham luận và phát biểu, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm tại Hội thảo, với nhiều nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh một số nội dung như: Thứ nhất, về định hướng bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Thứ hai, các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam. Thứ ba, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng. Thứ tư, khai thác tiềm năng Tây nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thứ năm, một số giải pháp, kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên; sản xuất, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng Tây Nguyên.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/02/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.