Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu
- Khó làm giàu nếu thiếu KH&CN Tại lễ công bố Ngày KH&CN Việt Nam 18-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước: "Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KH&CN". Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động KH&CN của Việt Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển KT-XH; việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng đúng mức; việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN tuy đã có nhiều đổi mới nhưng còn không ít bất cập; cơ chế quản lý hoạt động KH&CN chậm được hoàn thiện… Cũng vì những nguyên nhân nêu trên mà chúng ta chịu khá nhiều thiệt thòi, một số lợi thế của quốc gia chưa mang lại những giá trị đích thực, nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Lấy ví dụ, tại hội thảo mới diễn ra do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, có ý kiến lo ngại tới năm 2020 chúng ta khó đạt tới mục tiêu phát triển công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vì thực trạng nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta hiện còn cách rất xa so với yêu cầu này. Lý do đưa ra là hiện tỷ lệ lao động trong nông nghiệp tới gần 50% nhưng tỷ lệ nông nghiệp đóng góp trong GDP của Việt Nam mới đạt xấp xỉ 20%. Điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế thu được của lao động nông nghiệp còn rất thấp, thu nhập và đời sống nông dân chưa được cải thiện. Đi sâu phân tích, tỷ lệ các hộ nông dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp chỉ được khoảng 50% ở ba lĩnh vực là giống cây trồng, kỹ thuật làm đất và kỹ thuật thu hoạch. Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác như kỹ thuật chăn nuôi, sơ chế và bảo quản sản phẩm, quản lý tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường, biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu... thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 15%. Trong nông nghiệp, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nằm trong tốp dẫn đầu thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều... nhưng về lợi nhuận thu được thì chúng ta luôn chịu cảnh thua thiệt bởi những nhược điểm cố hữu chậm được khắc phục như DN và lao động nông nghiệp thiếu tính chuyên nghiệp; việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất hầu như tự phát và theo kinh nghiệm; thiếu quy hoạch, chiến lược tổng thể... Trong sản xuất công nghiệp, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Phần nhiều chúng ta mới thực hiện công việc lắp ráp và gia công những sản phẩm đơn giản trong chuỗi dây chuyền sản xuất hiện đại; những sản phẩm "made in Vietnam" thì công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu dẫn đến chi phí cao, chất lượng chưa thể cạnh tranh mạnh với sản phẩm của các nước trên thị trường. Do đó, chúng ta mới chỉ thực hiện "bán sức lao động", lấy công làm lãi. Như vậy có thể thấy, KH&CN chưa được áp dụng rộng rãi, chưa đi sâu vào cuộc sống; nhiều nghiên cứu có giá trị trong "phòng thí nghiệm" - chỉ 1/3 số đó được chuyển giao ứng dụng hoặc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; số DN dám "mạo hiểm" đầu tư cho các công trình khoa học chỉ đếm trên đầu ngón tay; việc đặt hàng sản phẩm của các trung tâm nghiên cứu cũng không có nhiều DN mặn mà... Những vấn đề cần tập trung tháo gỡ Hiến pháp 2013 xác định "Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước". Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Đảng ta cũng đã ra Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu KH&CN trong đó nêu rõ, KH&CN phải thật sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Như vậy, tại Hiến pháp 2013, một lần nữa khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu. Thời điểm này cũng hết sức thuận lợi khi chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý hậu thuẫn cho việc phát triển KH&CN. Cụ thể, để Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KH&CN nhanh chóng triển khai trong đời sống xã hội, Luật KH&CN (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2013 với nhiều nội dung mang tính đột phá, cụ thể hóa tinh thần tập trung cho phát triển KH&CN, mang lại động lực mới cho giới trí thức, giới nghiên cứu và quản lý khoa học của cả nước. Điều 62, Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ: "Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN; bảo đảm quyền nghiên cứu KH&CN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động KH&CN". Để có những đột phá trong việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN - nói cách khác là để Nghị quyết của Đảng và nội dung của Hiến pháp 2013 nhanh chóng được triển khai trong cuộc sống - có hàng loạt vấn đề cần được khẩn trương tháo gỡ. Đó là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; xác định nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đối với phát triển KH&CN; xây dựng kế hoạch trung và dài hạn trong việc đặt hàng các phòng thí nghiệm cho các tổ chức KH&CN, tránh tình trạng "ăn đong", thiếu các nghiên cứu chuyên sâu; nâng cao trình độ KH&CN của nhiều lĩnh vực sản xuất hiện còn ở mức thấp (sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy, hải sản...); mở rộng quy mô, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ nhằm tăng hàm lượng KH&CN trong giá trị sản phẩm, góp phần tăng khả năng cạnh tranh...
Theo Hà Nội mới