Phát triển du lịch không nên chỉ dựa vào ngành hàng không
Khách du lịch giảm khi giá vé tăng
Tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17/5, ông Trần Văn Linh, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết, thời gian qua tác động vì giá vé, giá dịch vụ khá cao đã làm giảm sự cạnh tranh của Phú Quốc. Đặc biệt, lượng khách hàng không giảm nhiều. Điển hình trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày dịp 30/4 – 1/5, lượng khách nội địa của tỉnh Kiên Giang giảm 36%.
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự hội thảo |
Còn ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay, tỉnh Quảng Nam nằm ở trung tâm cả nước, cùng với Đà Nẵng được đánh giá là trung tâm du lịch miền Trung và chủ yếu đón khách du lịch bằng đường hàng không, du lịch đường sắt, đường bộ ít.
Ông Hồng thông tin rằng, dù chưa có thống kê nhưng chắc chắn khách đường hàng không giảm, thậm chí có thể giảm sâu. “Những năm trước dịch, cách 1 tháng thì hầu như các cơ sở lưu trú lấp đầy 80 - 90% nhưng dịp lễ 30/4 vừa qua, cách 10 ngày, các cơ sở vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, các cơ sở bắt đầu tăng các gói kích cầu đối với khách nội địa vùng đi bằng tàu lửa, ô tô, tăng khách nội vùng để có thể lấp đầy khoảng trống của khách hàng không ", ông Nguyễn Thanh Hồng cho hay.
Liên quan đến vấn đề giá vé máy bay tăng, ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) thừa nhận: Giá vé máy bay hiện tại tăng bình quân 15 - 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ 43% so với quy định".
Theo ông Đặng Anh Tuấn, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của VNA mà là chung cho các hãng hàng không.
Cụ thể là ví dụ với xăng, so với năm 2019 mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của VNA cũng như tất cả các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200 - 300 ngày, thậm chí đến 1 - 1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao.
Theo ông Tuấn, VNA vẫn luôn cố gắng để làm tốt hơn những gì hiện tại. Dù rất khó khăn nhưng hãng đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại. Tuy nhiên, phát triển du lịch không nên chỉ dựa vào ngành hàng không mà là sự tổng hợp của các loại hình vận tải khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
Làm thế nào để giải quyết bài toán khi giá vé máy bay tăng?
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Lữ hành SaigonTourist, giá vé máy bay hiện chiếm khoảng 50% tổng giá một tour du lịch. Từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay đã tăng khoảng 20%, theo đó, giá tour du lịch tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. “Như vậy, giá tour lúc này 12 triệu đồng thì năm ngoái khoảng 11 triệu đồng thôi", ông Yên thông tin.
Tuy giá vé nội địa tăng, song ông Yên cũng khẳng định giá tour nội địa của Việt Nam hiện không cao hơn giá tour nước ngoài như nhiều người nói. Chẳng hạn, với chuẩn 4 sao, giá tour đi ở miền Bắc là 12 - 15 triệu đồng; miền Trung từ 8 - 10 triệu đồng; thì tour đi Thái Lan 12 triệu đồng còn tour Thái Lan 5 - 6 triệu đồng, tour 0 đồng không tính; tour Hàn Quốc trên 20 triệu đồng, tour Nhật trên 30 triệu đồng...
Ông Yên cho rằng, vấn đề hiện nay là làm thế nào để giải quyết bài toán khi giá vé máy bay tăng. Theo đó, các công ty lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, nhà hàng có thể ngồi lại với nhau để mức giá tour tăng 10% như hiện nay, có thể giảm xuống chỉ tăng 3 - 5% được không? “Chẳng hạn, bay vào những giờ không đẹp lắm, thay vì bay 8 - 10 giờ sáng, nhưng bay chiều, tối. Như vậy, khách du lịch sẽ bị mất điểm tham quan, nhưng khách có thể ở thêm 1 đêm. Vậy các điểm đến, đặc biệt tại các địa phương Phú Quốc, Cam Ranh, Hạ Long... những nơi có nguồn codotel nhiều, có thể ngồi lại với nhau, làm các combo giá tốt hơn...", ông Yên đề xuất.
Về phía các địa phương, cũng cho biết đã tìm cách khắc phục, tăng xúc tiến quảng bá thu hút khách đi bằng đường bộ; tăng cường xây dựng thêm gói dịch vụ thu hút khách du lịch bằng đường bộ thay vì chỉ ngồi chờ hạ nhiệt giá vé máy bay. Chẳng hạn như Quảng Nam đã đưa ra một số giải pháp, tập trung vào các gói kích cầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, kích cầu ở đây không phải giảm giá mà kích chất lượng, đa dạng sản phẩm, tăng chương trình phục vụ du khách. Cùng với đó tỉnh này cũng quảng bá nội vùng cho khách đi bằng ô tô từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, hay Tây nguyên xuống… để lấp đầy khoảng trống của khách hàng không. Một giải pháp khác được Quảng Nam thực hiện sẽ đầu tư thêm 2 ga Trà Kiệu và Tam Kỳ để hình thành cung đường di sản cho những khách đi bằng tàu hỏa.