Thứ bảy 28/12/2024 20:15

Phát triển điện hạt nhân: Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, hướng tới Net Zero

Phát triển điện hạt nhân là một trong những yếu tố giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng và có thể đạt được lộ trình Net Zero mà chúng ta đã cam kết quốc tế.

Để đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp ổn định, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.

Thế giới có khoảng hơn 400 lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện - Ảnh: Wikipedia

Tại Hội nghị Trung ương ngày 25/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Việc này nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.

Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới. Trước mắt, Trung ương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, chiều 12/11, phát biểu trước khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đồng thời, đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định về điện hạt nhân trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng Cơ quan chủ trì thẩm tra đề xuất.

Cụ thể, tại dự thảo Luật Điện lực đề xuất bổ sung một số nguyên tắc về phát triển điện hạt nhân tại khoản 10 Điều 5, bảo đảm tính đồng bộ của Quy hoạch phát triển điện hạt nhân (đã quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Năng lượng nguyên tử) với quy hoạch phát triển điện lực, và nhà nước độc quyền phát triển, vận hành các nhà máy điện hạt nhân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân hiện nay là một trong những xu thế của thế giới. Một số quốc gia trên thế giới đóng cửa bây giờ đã tái khởi động lại vì nhu cầu năng lượng sử dụng điện rất lớn, nên đối với nước ta cũng không thể đóng cửa nhà máy điện hạt nhân được. Tất nhiên, chúng ta mở cửa phải đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đề nghị nên khởi động lại Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất, đại biểu nhấn mạnh, đây là một vấn đề rất hệ trọng vì năng lượng Việt Nam của chúng ta hiện nay đang rất thiếu.

Điện hạt nhân là nguồn điện không phát thải, nếu thay thế dần các nguồn điện có phát thải như than, khí... sẽ là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có thể đạt được lộ trình Net Zero mà chúng ta đã cam kết quốc tế. "Tôi nghĩ rằng chỉ có năng lượng về điện hạt nhân mới có thể phát triển và chúng ta đảm bảo được nhu cầu năng lượng của quốc gia" - đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Đức Chính - đoàn Hoà Bình khẳng định, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa vào nội dung về điện hạt nhân, đây là một bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia. Việc đưa điện hạt nhân vào dự thảo luật thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng khoảng 10%/năm và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

"Các dự án điện hạt nhân đảm bảo cung cấp năng lượng sạch, dài hạn cho sản xuất, nhất là đối với sản xuất các ngành sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện ổn định" - đại biểu đoàn Hòa Bình bày tỏ.

Theo các chuyên gia, điện hạt nhân không chỉ là nguồn điện giảm phát thải cũng như giảm nhẹ tác động đến biến đổi khí hậu, mà còn là nguồn điện ổn định khi có nguồn nhiên liệu ổn định, nếu có kho dự trữ có thể nhập khẩu nhiên liệu nhiều hơn, giúp các nhà máy điện ổn định, lâu dài, không phụ thuộc vào các biến động chính trị, biến động giá dầu, giá khí, giá than..., bảo đảm an ninh năng lượng.

Trong khi đó, chúng ta đã có một thời gian dài để chuẩn bị đào tạo con người, hoàn thiện hành lang pháp lý, chọn địa điểm đầu tư. Nếu so sánh cả vòng đời dự án thì chi phí sản xuất điện hạt nhân tương đương với chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu.

Thậm chí, trường hợp giá than nhập khẩu ngày càng đắt thì có thể chi phí sản xuất điện hạt nhân rẻ hơn điện than, giá bán điện hạt nhân chắc chắn sẽ rẻ hơn điện gió, điện mặt trời.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia cũng đang thúc đẩy việc xây dựng lộ trình phát triển điện hạt nhân. Đơn cử Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc ngày 22/11 đã tổ chức Hội nghị tổng kết nhóm chuyên trách về việc xây dựng lộ trình phát triển điện hạt nhân trung và dài hạn đến năm 2050, đồng thời công bố kế hoạch sơ bộ cho lộ trình này.

Theo chiến lược phác thảo, Hàn Quốc đặt ra 5 mục tiêu phát triển ngành điện hạt nhân, bao gồm: trở thành quốc gia dẫn đầu về lò phản ứng module nhỏ (SMR); nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy điện hạt nhân; công nghiệp hóa việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân; tăng cường cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành công nghiệp điện hạt nhân; và củng cố cơ sở hạ tầng và chính sách liên quan.

Trước đó, vào tháng 5/2024, Cơ quan Năng lượng Thụy Điển đã cấp 4,7 triệu USD cho dự án hạt nhân MUST do các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Chalmers (Gothenburg, Thụy Điển) dẫn đầu nhằm phát triển hệ thống điện hạt nhân thế hệ IV và tái xây dựng chuyên môn quốc gia trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.

Trung Quốc cũng đang triển khai chương trình điện hạt nhân với mục tiêu đến năm 2030 đứng đầu thế giới về công suất phát điện hạt nhân, đến 2035 tổng công suất vận hành điện hạt nhân của Trung Quốc khoảng 180GW.

Tính đến cuối tháng 8/2024 trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 373.735MW và 62 lò đang xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971MW.

Hiện có 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân và khoảng 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Tại COP28 có 22 quốc gia, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada đã ký biên bản tuyên bố tăng gấp 3 lần công suất lắp đặt các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới vào năm 2050 so với thời điểm hiện tại.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Điện hạt nhân

Tin cùng chuyên mục

Đường dây 500kV giải tỏa công suất Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 về đích

Điểm mới trong Dự thảo Nghị định về cơ chế giá bán lẻ điện bình quân

Thanh Hóa khởi công dự án thủy điện 420 tỷ đồng

VCCI góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Điện lực

Chỉ thị của Bộ Công Thương về đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân thành phố Đà Nẵng

Bình Thuận hướng đến mục tiêu trung tâm năng lượng quốc gia như thế nào?

Vượt khủng hoảng lớn nhất lịch sử, Petrovietnam tăng trưởng ngoạn mục

Các vụ lừa đảo, mạo danh điện lực tại miền Trung – Tây Nguyên tăng

Bộ Công Thương: Sẽ thu hồi các khoản giá FIT ưu đãi đối với dự án điện hưởng không đúng quy định

Thi công dự án trạm biến áp 220kV Sầm Sơn và đường dây đấu nối

Tổng công ty Đông Bắc 30 năm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Doanh nghiệp năng lượng vào thị trường carbon còn gặp khó vì thủ tục

Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai: Ưu tiên đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống dịp lễ, Tết

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: 7 nhóm giải pháp chiến lược từ PGS.TS. Vũ Trọng Lâm

Tập trung nguồn lực cho dự án sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nga mong muốn trở thành quốc gia dẫn đầu trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Mô hình kho LNG trung tâm: Giải pháp chống lãng phí đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Đóng điện Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống