Thứ năm 02/01/2025 01:30

Phát huy nguồn lực kiều bào trong bối cảnh phát triển mới

Vai trò, tiềm năng của cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn và quan trọng trong việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước hậu dịch bệnh.

Nguồn lực lớn từ kiều bào

Phát biểu khai mạc Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 30/10, Thứ trưởng - Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình chuyển đổi số đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ đến vấn đề sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ý nghĩa, vai trò của công cuộc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có thể được coi là “đòn bẩy” giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là cơ hội vô giá để phát triển đất nước” như đánh giá của nhiều chuyên gia.

Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cho biết thêm: Việt Nam có khoảng 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đông đảo các trí thức, chuyên gia, doanh nhân kiều bào có trí tuệ, uy tín cao, đã đạt nhiều thành công ở nhiều lĩnh vực. Bằng các hoạt động phong phú và đa dạng, kiều bào đã chia sẻ, tình cảm, ủng hộ trí lực, vật lực cho sự phát triển đất nước. Các chuyên gia, trí thức kiều bào đã nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết các vấn đề lớn của đất nước, tích cực giao lưu về khoa học công nghệ, học thuật bằng trực tuyến, trực tiếp với trong nước.

Trong giai đoạn mới, cả nước vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với Việt Nam hiện nay và sắp tới là đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung nguồn lực để phát triển một nền tảng công nghệ dùng chung, các cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin. Với hàng loạt các mục tiêu, kế hoạch phát triển này cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng và to lớn - ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.

Kiều bào hiến kế

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nặng nề do dịch bệnh Covid- 19, nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu gia tăng do cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, kinh tế Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Vì thế, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng cho người dân và DN, giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Đặc biệt, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên hàng đầu và là động lực tăng trưởng mới trong tương lai.

Để ứng phó với tác động của đại dịch khi nguồn thu thuế bị giảm, lãi suất ngày càng giảm và nếu giảm thêm nữa, nền kinh tế sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản",Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) cho rằng: nền kinh tế Việt Nam phải trở thành nền kinh tế kỹ thuật số theo đúng xu hướng của thế giới và để làm được điều này DN cần được cung cấp một nguồn vốn cần thiết. Nguồn vốn này lấy từ tổ chức một tổ hợp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đứng ra chủ trì, xây dựng. Trong đó, các ngân hàng thương mại bắt buộc tham gia với tỉ lệ 3 - 3,5% tính trên dư nợ của mỗi ngân hàng; tổng hạn mức cho vay của tổ hợp khoảng 300.000 tỉ đồng.

Giáo sư Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) chia sẻ: làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm rủi ro... cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy có 20 lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư như điện, cơ khí, thiết bị văn phòng, thiết bị vi tính… Về xuất khẩu, Việt Nam có cơ hội xuất khẩu dịch vụ tương đối lớn, bao gồm dịch vụ viễn thông, y tế… vì thế Việt Nam không thể bỏ qua nguồn lực phát triển này và lực lượng kiều bào là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, DN sẵn sàng tư vấn, hợp tác để phát triển.

Phát huy tốt hơn nữa trí tuệ của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cho công cuộc phát triển của đất nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, TP luôn mong nhận được ý kiến tư vấn của các trí thức, doanh nhân kiều bào, tạo động lực mới cho giai đoạn phát triển sắp tới của TP, đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á- Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Ngọc Thảo