Phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa VN
- Cuộc họp báo có sự tham dự của ông Lê Hải Bình- Quyền vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Đỗ Văn Hậu- Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia; ông Trần Duy Hải- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Ngô Ngọc Thu- Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và ông Ngô Mai Thịnh- đại diện Cục Kiểm Ngư, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và đông đảo các phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD981 và 80 tàu các loai hộ tống vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, Lực lượng tham gia hộ tống giàn khoan HD981 lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hằng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự cũng đã vào đến cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý. Ông Hải cho biết thêm, số lượng tàu đang tăng lên hàng ngày, gây căng thẳng trong khu vực
Tại buổi họp báo, các quan chức Việt Nam cũng đã công bố video cho thấy các tàu của Trung Quốc với sự yểm trợ của máy bay hung hăng ngăn cản tàu Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ. Khi tàu Việt Nam ra ngăn cản việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và làm bị thương kiểm ngư viên Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng có 8 tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị đâm, húc, đẩy hoặc phun vòi rồng áp lực lớn, có những lúc một tàu của Việt Nam bị 5 tàu Trung Quốc vây quanh.
Chia sẻ về những ảnh hưởng về kinh tế khi Trung Quốc khoan thăm dò vào các vị trí mà các công ty dầu khí Việt Nam đang hoạt động, ông Đỗ Văn Hậu- Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN)- cho hay, vị trí mà Hải Dương 981 định vị nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam. Ở vị trí này, Việt Nam đã thăm dò từ những năm 1970 nhưng chưa có hoạt động khoan khai thác. Đây là vùng nước sâu, đòi hỏi phải vượt qua được các khó khăn về mặt kỹ thuật. “Khai thác vùng nước sâu là mục tiêu của chúng ta trong tương lai lâu dài”- ông nhấn mạnh.
Ông Ngô Ngọc Thu cho biết, trước tình hình trên, phía Việt Nam đã có mặt kịp thời tại hiện trường, tiến hành thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Phát tín hiệu yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc.
Ông Thu khẳng định, trong thời gian tới, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp tục đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Trước đó, Việt Nam và Trung Quốc đã sử dụng đường dây nóng cấp cao giữa hai nước để giải quyết các vấn đề trên biển. Ông Trần Duy Hải- Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao- cho hay, trong những ngày qua, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên thềm lục địa tại Việt Nam, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với Trung quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc - CNOOC yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động trái phép trên thềm lục địa Việt Nam.
Đáng chú ý, chiều ngày 6/5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, phản đối việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1/5 đến nay là bất hợp pháp.
Ông Hải cho biết thêm, Việt Nam đã thông báo với các nước khác, các nước ASEAN về diễn biến này. Các nước đều bày tỏ sự quan ngại trước hành động của Trung Quốc.
Thêm vào đó, mới đây phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng vừa tuyên bố việc Trung Quốc di dời giàn khoan ở Biển Đông là một bước đi "khiêu khích" và Washington đang theo dõi sát tình hình. Còn ông Daniel Russel- Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương- khẳng định Washington đang xem xét vấn đề và ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế.
Cuộc họp báo chiều nay (7/5) đã thu hút của hơn 100 đại diện các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, cho thấy hành động phi pháp này của Trung Quốc đang thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công luận trong và ngoài nước..
Nguyễn Hường