Phấn đấu đưa Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của Tây Nguyên
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Bước vào năm 2021, trong bối cảnh chung cả nước nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, ngành công thương tỉnh Đắk Lắk xác định phải bám sát các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương để triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của ngành với quyết tâm cao, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất.
Công trình điện gió tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk |
Ông Khôi cho biết, ngành Công Thương Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai các dự án NLTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, đảm bảo khai thác tốt nhất tiềm năng thế mạnh về NLTT của địa phương, phấn đấu đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm NLTT của vùng Tây Nguyên theo Nghị quyết số 14 của tỉnh ủy.
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên - giai đoạn 1, công suất 28,8MW do Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư đã xây dựng xong 12/12 tuabin gió, đưa vào vận hành phát điện thương mại 11/12 tuabin gió từ tháng 10/2020 với công suất 26,4 MW, 1 tuabin còn lại đã hoàn thành, tuy nhiên trong quá trình vận hành gặp sự cố kỹ thuật, hiện đang sửa chữa.
Trên địa bàn tỉnh có 9 dự án với tổng công suất 742 MW đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực; trong đó có 3 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 785MW; 10 dự án với tổng công suất 776 MW được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch điện VII; 30 dự án với tổng công suất 8.138,3 MW được UBND tỉnh trình bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực.
Về dự án điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án công suất 960 MWp đưa vào vận hành phát điện thương mại. Đến nay, 3 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 480 MWp. Còn lại, 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.768 MWp được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực. Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 5.367 công trình điện mặt trời mái nhà đã phát điện thương mại với tổng công suất 648,9 MWp.
Bên cạnh đó, ngành sẽ phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Năm 2021, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Ban thường vụ tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Trên cơ sở Nghị quyết của ban thường vụ, Sở Công Thương sẽ xây dựng và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu và công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2035 và Đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035, hướng đến hai mục tiêu: tăng cường xuất khẩu, đưa các sản phẩm nông sản sau chế biến của tỉnh đến các thị trường ngoài nước và tăng cường kết nối giao thương trong nước để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Ngoài ra, ngành Công Thương sẽ quan tâm phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo với vai trò là ngành công nghiệp nền tảng theo hướng phục vụ cho mục tiêu phát triển công nghiệp chế biên sâu các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công làm động lực thúc đây công nghiệp nông thôn phát triển và các hoạt động xúc tiến thương mại, hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, các phiên chợ hàng Việt, đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Hỗ trợ tích cực các nền tảng giao dịch thương mại điện tử, từng bước tạo thói quen và niềm tin của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đối với các giao dịch thương mại điện tử.
Để làm được các nhiệm vụ trên, ông Khôi cho rằng, cần nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ động vận dụng trong điều kiện thực tế tại địa phương để triển khai các nhiệm vụ chuyên môn một cách tích cực, hiệu quả nhất. Phải xây dựng chương trình công tác đầy đủ, chi tiết cụ thể về người thực hiện, thời gian hoàn thành, nguồn lực đảm bảo…
Ông Khôi cho biết thêm, Sở Công Thương sẽ khai thác mọi nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương cũng như nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các chương trình phát triển, nhất là phát triển NLTT, phát triển công nghiệp chế biến sâu.
“Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác cải cách hành chính, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở tinh gọn hiệu quả. Đổi mới phong cách chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kỷ luật hành chính, tinh thần trách nhiệm với phương châm rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả. Ngoài ra, khơi dậy nhiệt tình tâm huyết, sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức viên chức của Sở và cả đội ngũ những người lao động ngành công thương. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là chìa khóa để phát triển thành công”, ông Khôi nhấn mạnh.