Thứ hai 23/12/2024 19:50

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tinh gọn bộ máy là nhằm quy tụ, tăng cường nguồn lực.

Tiết kiệm, chống lãng phí là nguyên tắc căn bản trong quản lý

Phát biểu tại Diễn đàn “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”, sáng ngày 23/12, nêu rõ về vấn đề chống lãng phí, PGS.TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, ngay trong lịch sử đất nước chúng ta, triều đại nào biết tiết kiệm thì triều đại đó phát triển, hưng thịnh; ngược lại triều đại nào tiêu pha, xây dựng nhiều đền đài lãng phí sức dân thì triều đại đó suy tàn.

Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển. Ảnh: Cấn Dũng

Trên thế giới cũng vậy, PGS.TS. Lê Hải Bình lấy ví dụ những câu chuyện lịch sử về sự tham ô vô độ, lãng phí tiền tài, sức dân. Trong tác phẩm “Của cải của các dân tộc” nhà kinh tế học cổ điển Adam Smith đã cho rằng “Tiết kiệm là nguyên nhân trực tiếp gia tăng vốn. Lao động tạo ra sản phẩm để tích lũy cho quá trình tăng tiết kiệm. Nhưng dù có tạo ra bao nhiêu chăng nữa, nhưng không có tiết kiệm thì vốn không bao giờ tăng lên”.

Lãnh tụ V.I. Lênin nói “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta.”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh “tiết kiệm là một quy luật, một phương pháp của một chế độ kinh tế, không phải chỉ tiết kiệm khi đất nước còn nghèo, mà ngay cả khi giàu có và càng giàu có càng phải thực hành tiết kiệm”; “chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm” và rằng “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của mỗi một quốc gia, chống tham ô, lãng phí luôn là vấn đề nan giải, một cuộc chiến thường trực gắn liền với vận mệnh, sự tồn vong của một nhà nước, chính phủ. “Tiết kiệm, chống lãng phí là nguyên tắc căn bản trong quản lý, gia tăng nguồn lực để phát triển của nhiều nước trên thế giới. Đơn cử như Hàn Quốc, quốc gia phát triển nổi tiếng với “kỳ tích sông Hàn”, đã đưa tiết kiệm thành chế định pháp lý để đảm bảo tính hiệu quả trong thực hiện quản lý ngân sách. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội để đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm khác nhau”- PGS.TS. Lê Hải Bình nêu.

Lấy ví dụ thêm, PGS.TS. Lê Hải Bình cho biết, Singapore là quốc gia tiên phong trong vấn đề tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Singapore là một điển hình hết sức tiêu biểu và thành công về quản lý hiệu quả nguồn lực với quy mô nhỏ nhưng vẫn đạt được thành tựu ấn tượng. Một ví dụ điển hình khác là Nhật Bản. Câu chuyện chống lãng phí của /chu-de/nhat-ban.topic đến từ sự kết hợp giữa chính sách mạnh mẽ và ý thức người dân, đặc biệt là văn hóa “mottainai” – văn hóa tiết kiệm, tiếc nuối khi lãng phí – đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Nhật.

PGS.TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh, các quốc gia đều thực hành việc chống lãng phí dựa trên một số yếu tố mang tính căn bản. Đó là một hành lang pháp lý chặt chẽ kết hợp với công nghệ hiện đại trong quản trị nguồn lực, từ giáo dục và nâng cao ý thức người dân cùng với quyết tâm mãnh mẽ của chính phủ. Các quốc gia phát triển đã chứng minh rằng phòng chống lãng phí không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Chống lãng phí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong văn hóa, quan niệm và nhận thức.

PGS.TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Cấn Dũng

Chống lãng phí - Chủ trương, quyết sách và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, PGS.TS. Lê Hải Bình cho hay, cạnh tranh giữa các cường quốc, sự gia tăng tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các thách thức an ninh truyền thông và phi truyền thống đang đe dọa nghiêm trọng tới sự phát triển của các quốc gia, sự thịnh vượng toàn nhân loại. Trong đó, đại dịch Covid-19 chính là ngòi nổ gây ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu.

Cho đến lúc này, theo PGS.TS. Lê Hải Bình gánh nặng nợ công và “thâm hụt ngân sách dai dẳng” vẫn là mối đe dọa thường trực đối với các chính phủ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo rằng nợ của các chính phủ trên thế giới có thể sẽ lên tới mức ngang bằng sản lượng hàng năm của nền kinh tế toàn cầu vào cuối thập kỷ này, thậm chí có thể nhanh chóng vượt qua ngưỡng đó sớm hơn nếu tăng trưởng kinh tế suy yếu. Phó Giám đốc phụ trách vấn đề tài khóa của IMF Era Dabla-Norris cũng nhận định “đã đến lúc các chính phủ cần lập lại trật tự trong ngôi nhà của họ. Đối với tất cả các quốc gia, một sự xoay trục mang tính chiến lược là điều cần thiết để giảm nợ”.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Lê Hải Bình, một yếu tố đặc trưng khác của thời đại chính là sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 giờ đây đã trở thành một trong những xu thế đi đầu trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất gắn liền với những quy trình tự động hoá. Công nghệ hiện nay không chỉ giúp giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đã thúc đẩy các xu hướng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, PGS.TS. Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế chủ trì Diễn đàn. Ảnh: Cấn Dũng

"Việc ứng dụng thành quả Cách mạng công nghiệp 4.0 được đẩy mạnh, có những bước đột phá, mở ra những tiềm năng, cơ hội thuận lợi giúp các nước vừa và nhỏ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, sạch, bền vững hơn, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai chiến lược chống lãng phí kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản trị nguồn lực"- PGS.TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Trong bối cảnh toàn cầu và sự gia tăng của các vấn đề về nguồn lực, tài nguyên, lãng phí đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia đang nỗ lực giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. PGS.TS. Lê Hải Bình cho rằng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chống lãng phí” với thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, kêu gọi đảng viên, cán bộ, nhân dân xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. PGS.TS. Lê Hải Bình nêu rõ, bài viết của Đồng chí Tổng Bí thư phân tích sâu sắc, chỉ rõ cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh “trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; “thời điểm định hình tương lai của chúng ta”, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, cần phải trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới. "Có thể nói, đây là chỉ đạo mang thông điệp mạnh mẽ, thẳng thắn, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc từ người đứng đầu của Đảng về nguy cơ tác động nghiêm trọng của việc lãng phí, gây suy giảm các nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong chặng đường vận mệnh của đất nước, dân tộc"- PGS.TS. Lê Hải Bình nhận định.

Cùng với việc đề ra bốn giải pháp trọng tâm, theo PGS.TS. Lê Hải Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thúc giục sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện nhanh chóng thực hiện có hiệu quả những giải pháp để đạt được những thay đổi bền vững, xử lý từ gốc rễ vấn đề lãng phí.

Vào thời điểm hiện nay và điều quan trọng đó là hướng tới Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS.TS. Lê Hải Bình cho rằng, đây là thời cơ chiến lược mang tính lịch sử. Theo PGS.TS. Lê Hải Bình, khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Thêm một lần nữa, trong bối cảnh chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta phải nỗ lực hết sức, quyết đem sức mình và lực lượng để không bỏ thời cơ phát triển không chỉ cho hôm nay mà cho thế hệ mai sau. "Chính vì vậy, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả là chủ trương, quyết sách và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước nhằm quy tụ, tăng cường nguồn lực để bứt tốc, bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới" - PGS.TS. Lê Hải Bình khẳng định.

Với ý nghĩa đó, PGS.TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh thêm, việc tổ chức Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" hôm nay thực sự có ý nghĩa không chỉ về mặt lý luận mà còn có giá trị tuyên truyền, lan toả về chống lãng phí. "Trong các ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, nếu thực hiệt tốt, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra về chống lãng phí, thực hành tiết kiệm sẽ đóng góp vô cùng to lớn cho đất nước"- PGS.TS. Lê Hải Bình nói.

Sáng 23/12 tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển". Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn. PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, PGS.TS. Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế chủ trì Diễn đàn... Diễn đàn còn có sự tham gia của các diễn giả: TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; ông Ngô Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS)... Thông qua việc tổ chức Diễn đàn, Bộ Công Thương mong muốn góp phần quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; đồng thời giúp Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: chống lãng phí

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Diễn đàn Bộ Công Thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025