Ông Nguyễn Tấn Hùng - Giám đốc PC Tây Ninh - cho biết, từ đầu năm đến nay công ty đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, không có trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện do thiếu điện gây ra, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản suất, kinh doanh, sinh hoạt của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện thương phẩm đã đạt 3.008,6 triệu kWh, tăng 21,76% so cùng kỳ. Hiện tại trên địa bàn Tây Ninh có 416.257 khách hàng sử dụng điện, trong đó có 51.214 khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt (chiếm 12,30 % trên tổng số khách hàng) và tăng đến 10,9 % so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, Tây Ninh có 95/95 xã, phường, thị trấn có điện; số hộ có điện là 298.925 hộ, đạt tỷ lệ 99,64%. Trong đó, số hộ nông thôn có điện là 240.193 hộ, đạt tỷ lệ 99,55%; số hộ thị trấn, thành phố có điện là 58.732 hộ, đạt tỷ lệ 100%.
Trong năm 2019, ngoài thực hiện 12 hạng mục công trình lớn về điện, PC Tây Ninh còn thực hiện nhiều dự án cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa nhằm xóa tình trạng sử dụng điện câu phụ, câu đuôi điện năng trên địa bàn. Đối với các công trình cấp điện nông thôn chưa có điện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Tây Ninh sẽ phải đầu tư 130 tỷ đồng, hiện đang tìm nguồn vốn để triển khai. Về công tác xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2011-2015, PC Tây Ninh đã hoàn thành đạt tiêu chí 4 về nông thôn mới tại 16 xã và năm 2016 – 2018 là 18 xã nông thôn mới. Đối với các xã nông thôn mới thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, ngành điện phấn đấu thực hiện 50/80 xã, hiện tại PC Tây Ninh đã đảm bảo đạt tiêu chí 4.1 (số hộ dân có điện) và tiêu chí 4.2 về lưới điện hiện cơ bản đã đạt yêu cầu. Riêng các công trình tách hộ câu phụ, câu đuôi, trong giai đoạn 2016-2020, ngành điện lực Tây Ninh cần xóa 7.376 hộ câu phụ, tổng kinh phí hơn 171 tỷ đồng; tính đến nay ngành điện đã sử dụng gần 18 tỷ đồng đưa điện lưới đến một số xã vùng sâu, vùng xa để thực hiện các công trình xóa hộ câu phụ, câu đuôi.
Dự án điện mặt trời áp mái tại Tây Ninh- Ảnh Thế Vĩnh |
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện đang tồn tại 4 công trình chậm tiến độ do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất, gồm công trình đường dây110kV Tân Biên - Suối Dộp; đường dây 110kV Xi măng Tây Ninh - Tân Hưng; trạm 110kV Suối Ngô và đường dây đấu nối; trạm 110kV Hòa Thành 2 và đường dây đấu nối. Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng để thi công các công trình đã được các ban, ngành địa phương thực hiện đầy đủ và thường xuyên phối hợp với ngành điện trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng vướng mắc chủ yếu là do thời gian thực hiện dự án kéo dài, trong khi giá đất trong khu vực biến động mạnh, do đó một số hộ dân chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường theo quy định hiện hành đã dẫn đến chậm tiến độ thi công các dự án.
Cùng với các công trình điện đang thi công để phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa, từ đầu năm đến nay ngành điện lực Tây Ninh đã đẩy mạnh công tác thực hiện tiết kiệm điện, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái. Từ đầu năm đến nay, PC Tây Ninh đã thực hiện tiết kiệm điện đạt 51,68 triệu kWh, tương đương 1,72% điện thương phẩm, vượt 0,22% so với kế hoạch giao là 1,5%. Nhờ ký kết hợp tác với 1.592 tư vấn viên thực hiện tuyên truyền, vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái, trên địa bàn Tây Ninh hiện đã có 544 khách hàng đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp, tổng công suất lắp đặt 12.403,96 kWp, sản lượng điện phát lên lưới đạt 2.079.291 kWh. Đặc biệt, số lượng khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái ở khu vực nông thôn xa, miền núi như Tân Biên, Dương Minh Châu, Hòa Thành tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong thời gian tới, ông Hùng cho biết ngành điện lực Tây Ninh sẽ thực hiện quyết liệt kế hoạch tìm nguồn vốn, phối hợp với các ban ngành tổ chức giải phóng nhanh mặt bằng, ưu tiên thực hiện các dự án đua điện về vùng nông thôn, xóa câu phụ, câu đuôi giúp người dân sớm có điện ổn định để sản xuất, sinh hoạt.