PC Khánh Hoà: Phủ kín điện cho vùng lõm miền núi Khánh Sơn
Trong những năm gần đây, người dân Khánh Sơn đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng như cây sầu riêng, mía tím, bưởi da xanh,cây bơ, măng cụt,… Vào thời kỳ cao điểm mùa khô hàng năm, toàn xã có khoảng 375 ha cây trồng phải bơm tưới chống hạn tuy nhiên nguồn điện chỉ đủ phục vụ cho sinh hoạt.
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2019, PC Khánh Hòa đã đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng thêm 3 trạm biến áp tại các thôn: Tà Gụ, Xà Bói và Hòn Dung, với công suất 50kVA/trạm nhằm nâng cao công suất truyền tải của hệ thống điện trên địa bàn xã, đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, an toàn phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. 3 trạm biến áp mới lắp đặt với chiều dài đường dây 2.000m, có thể phục vụ tưới tiêu cho gần 200ha cây trồng, phủ kín điện lưới quốc gia các thôn trên địa bàn xã Sơn Hiệp, gần 100% hộ gia đình trên địa bàn đã được sử dụng nguồn điện này.
Trạm biến áp mới được xây dựng tại xã Sơn Hiệp năm 2019 |
Việc lắp đặt thêm 3 trạm biến áp, nâng cao công suất truyền tải của hệ thống điện có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân xã Sơn Hiệp, đặc biệt là những khu vực vùng lõm. Trong điều kiện hạn hán như hiện nay, nguồn điện giúp người dân bơm tưới thuận tiện, thường xuyên, lại tiết kiệm được chi phí. Nhờ đó, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho cây trồng phát triển.
Ông Bo Bo Đô ở thôn Xà Bói chia sẻ: “Trước đây, hầu hết các hộ sản xuất nơi chúng tôi ở, đều sử dụng máy bơm chạy bằng dầu để tưới cây, vừa rất tốn kém, lại vừa mất nhiều công sức. Gia đình tôi có gần 1ha trồng cà phê xen sầu riêng, hồ tiêu. Trước đây, mỗi năm gia đình tôi chỉ có thể bơm tưới khoảng 3 - 4 đợt, vì không đủ tiền mua dầu… Do đó, cây trồng phát triển kém vì thiếu nước. Từ cuối năm 2019 đến nay, nhờ có hệ thống điện lưới quốc gia kéo vào đến tận chân rẫy. Cùng với đó, xã cũng hỗ trợ đào ao tích trữ nước, nên hiện nay, chúng tôi tưới tiêu rất thuận tiện. Cứ cách khoảng hơn một tuần gia đình tôi lại tưới một lần. Nhờ vậy, cây trồng phát triển tốt hơn…”.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ ở cánh đồng Ven Lo bộc bạch: gia đình tôi cũng có 1ha sầu riêng, nhưng ở cách hệ thống đường trục chính đến vài trăm mét. Gia đình tôi đã đầu tư đấu nối đường dây điện để phục vụ việc bơm tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, quá trình sử dụng không ổn định, hay bị mất nguồn do quá tải, lại không đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Từ khi có điện lưới đi qua rẫy thì việc tưới tiêu, chăm sóc cây trồng của gia đình tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều và cũng không còn nỗi lo mất an toàn lưới điện như trước nữa….
Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, ông Trần Tấn Chóng cho biết, với hệ thống điện lưới kéo vào tận chân rẫy đã giúp người dân khai thác được tiềm năng đất đai, mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, sầu riêng, mía tím, bưởi da xanh… theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Hiện tại, ngành điện Khánh Hòa đã phối hợp với chính quyền xã Sơn Hiệp tiếp tục hướng dẫn cho các hộ làm thủ tục đăng ký sử dụng điện; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ hành lang lưới điện. Đồng thời, sử dụng các thiết bị điện đạt chất lượng, nhằm đảm bảo an toàn lưới điện và phát huy hiệu quả lâu dài.