OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng; giá dầu châu Á mất đà tăng
Báo cáo cho hay, nếu không có Libya, Iran và Venezuela được miễn khỏi thỏa thuận, khối lượng sản xuất của các nước liên minh lên tới 35,407 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên tính đến tất cả các hạn chế tự nguyện và lịch trình bồi thường cho tháng 9, các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (/chu-de/opec.topic) đáng lẽ phải sản xuất 35,35 triệu thùng/ngày. Do đó, liên minh đã sản xuất vượt kế hoạch 57 nghìn thùng/ngày.
OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng. Ảnh: Pixabay |
Trong đó, Iraq đi chệch nhiều nhất so với kế hoạch sản xuất dầu mà OPEC+ dự kiến vào tháng 9, nước này đã sản xuất nhiều hơn 112 nghìn thùng/ngày so với kế hoạch dự kiến, mặc dù nước này đã giảm sản lượng 155 nghìn thùng/ngày.
Ngược lại, Nga đã vượt kế hoạch 23 nghìn thùng/ngày. Đồng thời, Kazakhstan đã tăng sản lượng thêm 75 nghìn thùng/ngày và sản xuất nhiều hơn kế hoạch 77 nghìn thùng/ngày. Ba quốc gia này nằm trong số “con nợ” của OPEC+, nhóm phải bù đắp cho khối lượng sản xuất dầu giảm thấp vào cuối tháng 9/2025.
Trong số các quốc gia không tham gia thỏa thuận OPEC+, sản lượng giảm nhiều nhất ở Libya với 410 nghìn thùng/ngày, xuống còn 540 nghìn thùng/ngày.
Giá dầu châu Á mất đà tăng
Giá dầu tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch chiều 14/10 đã để mất gần như toàn bộ đà tăng trong tuần trước, giữa những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Theo số liệu chính thức, sức ép giảm phát tại Trung Quốc đã gia tăng trong tháng 9 và các nhà đầu tư băn khoăn về quy mô của gói kích thích nhằm hồi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được công bố hôm 12/10.
Nhà kinh tế Zhiwei Zhang tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép giảm phát dai dẳng do nhu cầu trong nước yếu.
Trong khi phân tích Priyanka Sachdeva tại công ty dịch vụ tài chính Phillip Nova nhận định, số liệu về Chỉ số giá tiêu dùng từ Trung Quốc cho thấy xu hướng giảm phát kéo dài và mức tiêu thụ nội địa yếu hơn.
Các thông tin trên làm dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, sẽ giảm.
Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1 USD xuống còn 78,04 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1 USD (1,3%) xuống 74,56 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 99 xu Mỹ, trong khi dầu WTI tăng 1,18 USD.
Theo các nhà phân tích, giá dầu quay đầu giảm nhanh nhờ tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, tồn kho dầu của Mỹ tuần trước tăng 5,8 triệu thùng, cao hơn gấp đôi so với dự đoán của các nhà phân tích qua cuộc thăm dò của Reuters.