Thứ sáu 04/04/2025 16:18

Nhân lực điện hạt nhân: Cần chiến lược đào tạo bài bản

Nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao là yếu tố quyết định sự thành công của ngành công nghiệp điện hạt nhân. Vì vậy, cần chiến lược đào tạo bài bản.

Yêu cầu cấp thiết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân” diễn ra sáng 2/1, PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, công nghiệp điện hạt nhân đang khẳng định vai trò then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Cấn Dũng

Điện hạt nhân với những ưu điểm vượt trội về công suất phát điện lớn, ổn định, phát thải carbon thấp và hiệu quả kinh tế dài hạn, đang được nhiều quốc gia lựa chọn như một giải pháp căn bản để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đã có bước tiến quan trọng khi Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại Kỳ họp thứ 8.

Quyết định này không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược trong phát triển năng lượng quốc gia mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính đã được đưa ra tại COP26.

Trong bối cảnh phát triển năng lượng toàn cầu hiện nay, năng lượng hạt nhân đang khẳng định vai trò quan trọng với 32 quốc gia đang vận hành 437 lò phản ứng (theo báo cáo của IAEA năm 2023). Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân và các ngành công nghệ liên quan.

"Kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân từ các quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này như: Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao là yếu tố quyết định sự thành công của ngành công nghiệp điện hạt nhân" - PGS.TS. Đàm Sao Mai cho hay.

Đặc biệt, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực điện - điện tử đóng vai trò nền tảng, chi phối trực tiếp đến độ tin cậy và an toàn trong vận hành nhà máy điện hạt nhân. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhân lực về điện - điện tử chiếm tỷ trọng khoảng 35 - 40% tổng số nhân lực chuyên môn trong một nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, để vận hành an toàn một tổ máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW cần khoảng 500-700 chuyên gia các lĩnh vực, trong đó riêng lĩnh vực điện - điện tử cần khoảng 200 - 250 kỹ sư và chuyên gia có trình độ cao. Con số này sẽ tăng lên đáng kể khi Việt Nam phát triển nhiều nhà máy điện hạt nhân theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực điện - điện tử cho ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam trở nên hết sức cấp thiết.

Đặt trong bối cảnh Quốc hội khóa XV vừa thông qua Nghị quyết về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại Kỳ họp thứ 8, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân đang trở thành thách thức cấp bách đối với ngành giáo dục đại học Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi một đội ngũ nhân lực đặc thù với số lượng lớn và chất lượng cao, bao gồm: Các kỹ sư chuyên ngành điện hạt nhân; chuyên gia kỹ thuật trong các lĩnh vực liên quan; đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn sâu; nhân viên vận hành và bảo trì được đào tạo bài bản.

Cũng theo PGS.TS. Đàm Sao Mai, Việt Nam đã xây dựng nền tảng phát triển nguồn nhân lực hạt nhân từ những năm 1960, với chiến lược ban đầu tập trung vào việc gửi sinh viên và cán bộ trẻ đi đào tạo tại các trường đại học thuộc Liên Xô và các nước Đông Âu.

Giai đoạn trước năm 1990 đánh dấu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của ngành với nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, đặc biệt trong lĩnh vực tính toán lý thuyết và vật lý hạt nhân.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào lý thuyết hoặc thực hiện phối hợp với các nhóm nghiên cứu nước ngoài, trong khi số lượng công trình thực nghiệm thực hiện hoàn toàn trong nước còn rất hạn chế.

Sau gần 40 năm phát triển, hiện nay nguồn nhân lực ngành hạt nhân của Việt Nam tập trung chủ yếu tại 3 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ bao gồm: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với khoảng 800 cán bộ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với 90 cán bộ, và Cục Năng lượng nguyên tử với 30 cán bộ. Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiện có khoảng 100 cán bộ.

Trong khi đó, đội ngũ giảng viên tại các trường đại học chủ yếu tập trung vào giảng dạy vật lý hạt nhân và kỹ thuật hạt nhân, trong khi giảng viên các ngành liên quan như nhiệt học, cơ khí còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực hạt nhân.

Cần có chiến lược đào tạo bài bản

PGS.TS. Đàm Sao Mai thông tin, nghiên cứu của World Nuclear Association (2023) đã chỉ ra 3 mô hình đào tạo điển hình trên thế giới, mỗi mô hình đều có những đặc trưng và ưu điểm riêng. Mô hình Mỹ - Anh nổi bật với sự tích hợp mạnh mẽ giữa đại học và công nghiệp, điển hình như chương trình Nuclear Science and Engineering của MIT dành tới 40% thời lượng cho thực hành và nghiên cứu ứng dụng; Imperial College London phát triển chương trình độc đáo kết hợp đào tạo lý thuyết với một năm thực tập tại các nhà máy điện hạt nhân.

Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân” - Ảnh: Cấn Dũng

Mô hình Pháp - Nga có đặc điểm nổi bật là thời gian đào tạo dài (5,5-6 năm) và áp dụng phương thức "học tập kép", kết hợp đào tạo tại trường với thực tập tại nhà máy. MEPhI của Nga duy trì mối liên kết chặt chẽ với Rosatom, trong khi INSTN của Pháp tập trung vào đào tạo chuyên sâu về vận hành lò phản ứng và an toàn hạt nhân, với sự tham gia trực tiếp của tập đoàn EDF.

Mô hình Nhật Bản - Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến văn hóa an toàn và đạo đức nghề nghiệp, với điển hình là chương trình "Nuclear Professional School" của Đại học Tokyo. KINGS của Hàn Quốc tiên phong trong việc tích hợp công nghệ số vào đào tạo kỹ thuật hạt nhân, trong khi Đại học Tokyo duy trì tỷ lệ 60% giảng viên đến từ ngành công nghiệp, đảm bảo tính thực tiễn trong đào tạo.

Việt Nam đang từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hạt nhân theo mô hình 3 hệ thống bao gồm: Hệ thống đại học, các viện nghiên cứu, và hợp tác quốc tế. Mỗi trục đóng vai trò đặc thù trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành hạt nhân, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Về đào tạo đại học, hiện tại có 2 đơn vị chính là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), đang đảm nhận vai trò cơ bản trong việc cung cấp nguồn nhân lực dài hạn cho ngành. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiên phong triển khai chương trình Kỹ sư Hạt nhân từ năm 2010, trong khi Đại học Khoa học Tự nhiên phát triển ngành Kỹ thuật hạt nhân trong khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật.

Mỗi trường hiện đào tạo khoảng 30-40 kỹ sư mỗi năm, tuy nhiên chất lượng đào tạo đang gặp nhiều thách thức do hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Theo thống kê, đầu tư cho phòng thí nghiệm mới chỉ đạt 30% nhu cầu, trong khi đội ngũ 40-50 giảng viên mỗi trường chỉ có khoảng 30% có kinh nghiệm thực tế tại nhà máy.

Song song với hệ thống đại học, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm Đào tạo Hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn. Các đơn vị này tổ chức nhiều khóa đào tạo với quy mô 200-300 học viên mỗi năm, tận dụng được cơ sở vật chất chuyên sâu như lò phản ứng Đà Lạt. Tuy nhiên, các khóa đào tạo này vẫn còn hạn chế về thời lượng và mức độ chuyên sâu, phần lớn mang tính chất tham quan, kiến tập.

Ngoài ra, hợp tác quốc tế đang mở ra cơ hội quý giá để tiếp cận với công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến của thế giới. Chương trình hợp tác với Nga đang đào tạo 40 sinh viên mỗi năm, trong khi các dự án với IAEA triển khai 5-7 khóa đào tạo ngắn hạn hàng năm, tập trung vào các chuyên đề kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, việc tận dụng kiến thức và kinh nghiệm từ các chương trình này vào thực tiễn Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Mô hình đào tạo hiện tại của Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề cốt lõi. Về chương trình đào tạo, còn thiếu tính liên thông giữa các bậc học và chưa có chương trình đặc thù cho từng nhóm đối tượng. Phương pháp đào tạo vẫn nặng về lý thuyết, thiếu môi trường thực hành và chưa tận dụng hiệu quả công nghệ mô phỏng hiện đại. Đặc biệt, mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động còn lỏng lẻo, dẫn đến khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế.

Trước những thách thức này, các cơ sở đào tạo đang tích cực cập nhật và chuẩn hóa chương trình theo tiêu chuẩn IAEA, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mô phỏng và phát triển các chương trình đào tạo song ngành. Xu hướng này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân trong tương lai.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng để phát triển bền vững ngành công nghiệp hạt nhân, cần xây dựng đồng bộ ba nhóm nhân lực chính. Nhóm thứ nhất là đội ngũ vận hành nhà máy, bao gồm cán bộ quản lý, vận hành và kỹ thuật viên bảo dưỡng, với thời gian đào tạo tối thiểu 10 năm cho cán bộ vận hành.

Nhóm thứ hai là lực lượng nghiên cứu và phát triển (R&D), đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo vận hành an toàn. Nhóm thứ ba là đội ngũ quản lý nhà nước và cơ quan pháp quy hạt nhân, đòi hỏi kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tế để xây dựng và giám sát các quy định an toàn.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực toàn diện. Mặc dù đã có một số thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, nhưng xét về khía cạnh điện hạt nhân, nguồn nhân lực còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. "Điều này đòi hỏi cần có chiến lược đào tạo bài bản, đầu tư có trọng điểm và chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành" - PGS.TS. Đàm Sao Mai nhấn mạnh.

Là một trong những trường đại học trọng điểm của Bộ Công Thương, với thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật điện và tự động hóa, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam. Điều này không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm lớn của Nhà trường trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Điện hạt nhân

Tin cùng chuyên mục

Khởi công và đóng điện 94 công trình lưới điện trong quý I

Sản lượng điện Quý I/2025 đạt 72,2 tỷ kWh

PV GAS LPG và Saint-Gobain ký kết hợp đồng mua bán LNG

Điều chỉnh phụ tải: Lợi cả đôi đường

Phụ tải điện có thể tăng 14%, EVN sẵn sàng ứng phó

Năng lượng tái tạo Ấn Độ đối mặt khó khăn về vốn

Hợp tác khí tượng để phát triển năng lượng tái tạo

PC Lào Cai chuyển đổi số - hạn chế lừa đảo trong thanh toán tiền điện

Nhiệt điện Hải Phòng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Đẩy nhanh tiến độ Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận: Sở Công Thương vào cuộc quyết liệt

Khung giá bán lẻ điện bình quân mới nhất năm 2025: Cao nhất là 2.444,09 đồng/kWh

Giá bán lẻ điện được điều chỉnh 3 tháng 1 lần

Hết năm 2024, Quỹ bình ổn xăng dầu còn hơn 6.067 tỷ đồng

Học sinh lan tỏa tiết kiệm điện tại "Gameshow Kilowatt?" mùa 2

Công trình năng lượng Việt Nam an toàn sau động đất Myanmar nhưng cần đề phòng

Lấy ý kiến dự thảo quy chuẩn quốc gia về công trình thủy điện

Diễn đàn năng lượng 2025: Tìm lời giải cho bài toán năng lượng xanh

EVNCPC đảm bảo cung cấp điện ổn định trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 01/5

Kiến nghị Quốc hội gỡ vướng cho dịch vụ năng lượng

Cuộc đua hydro xanh kết thúc trước khi thực sự bắt đầu?