Châu Âu giữa vòng xoáy năng lượng sau khi Nga ‘đóng van’
“Tình trạng này gây ra vấn đề nghiêm trọng cho Moldova và trong số các nước Liên minh châu Âu (EU), Slovakia có thể bị ảnh hưởng, trong khi Hungary sẽ tiếp tục nhận khí đốt qua các tuyến đường khác”, tờ Newmoney của Hy Lạp cho biết.
Đồng thời, Ukraine đang lỗ khoảng 800 triệu USD mỗi năm và các nước châu Âu phải đối mặt với việc thiếu hụt khí đốt của Nga đang gặp khó khăn về kinh tế.
Tờ Le Monde của Pháp cũng lưu ý, việc ngừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ gây ra nhiều vấn đề cho Liên minh châu Âu.
Từ 1/1/2025, Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho EU qua Ukraine khi thỏa thuận quá cảnh khí đốt giữa Moscow và Kiev hết hạn. Ảnh: RIA |
Trong khi đó, theo đại diện của Ủy ban châu Âu (EC), EC sẵn sàng cho việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine. Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt có nguồn gốc không phải từ Nga đến Trung và Đông Âu thông qua các tuyến đường thay thế.
Bộ Năng lượng Áo cũng tuyên bố, nước này sẵn sàng chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt và lưu ý nguồn cung cấp khí đốt vẫn tiếp tục đi qua các quốc gia khác.
Nhà điều hành hệ thống truyền khí đốt Eustream của Slovakia cũng xác nhận, việc ngừng cung cấp qua Ukraine, đồng thời cho biết, họ sẵn sàng đảm bảo nguồn cung khí đốt trong nước.
“Eustream sẵn sàng cung cấp dịch vụ vận chuyển khí đốt để đáp ứng nhu cầu của Slovakia trên toàn lãnh thổ. Việc vận chuyển khí đốt tự nhiên vẫn tiếp tục tại tất cả các điểm kết nối và Eustream đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện nghĩa vụ”, nhà điều hành hệ thống truyền khí đốt Eustream thông báo.
Tuy nhiên, theo nghị sĩ Ukraine Artem Dmitrukm, Kiev sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn sau quyết định từ chối vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ.
“Tổn thất của Ukraine rất lớn, không chỉ về mặt danh tiếng. Ukraine sẽ mất doanh thu từ quá cảnh khí đốt, vốn trước đây lên tới 800 triệu USD mỗi năm”, ông Dmitrukm viết trên kênh Telegram.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine tới EU. Ảnh: Bruegel |
Ông lưu ý, chính quyền nước này sẽ cố gắng bù đắp tổn thất bằng chi phí của người tiêu dùng trong nước, nhưng sẽ không thu được kết quả gì.
“Giá cước vận chuyển khí đốt sẽ tăng gấp 4 lần. Đồng thời, sẽ không thể bù đắp đầy đủ tổn thất bằng cách tăng thuế”, ông Dmitrukm nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông chỉ ra, Bộ Năng lượng Ukraine gọi quyết định ngừng vận chuyển khí đốt Nga là “sự kiện lịch sử”, được cho là thực hiện vì lợi ích an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế thì ngược lại, các quốc gia láng giềng đã cảm nhận được hậu quả thực sự của lệnh cấm vận chuyển khí đốt.
Hợp đồng vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu giữa Tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraine và Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, được ký vào năm 2019 hết hạn từ 1/1/2025. Ukraine thông báo sẽ không có thỏa thuận mới nào được ký kết và thực hiện.
Nga bắt đầu vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào những năm 1960 thông qua một hệ thống vận chuyển khí đốt đã trở thành tuyến đường trung chuyển quan trọng để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
Trong hơn 5 thập kỷ, Ukraine vẫn là tuyến vận chuyển khí đốt chính của Nga đến châu Âu. Trong 2 thập kỷ qua, hơn 100 tỷ m3 khí đốt được trung chuyển mỗi năm qua hệ thống của quốc gia này.
Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine vào năm 2023 - chỉ bằng 8% so với hồi năm 2018 - 2019, thời điểm lượng khí đốt do Nga chuyển tới châu Âu qua nhiều tuyến khác nhau đạt đỉnh. |