Trên khắp các cung đường Hà Nội xuất hiện nhiều quán nước giải khát phục vụ học sinh, người lao động, nhân viên văn phòng trên đường đi làm, khách hàng muốn dừng chân giải khát giữa trời nóng gay gắt. Chỉ vài bộ bàn ghế nhựa cùng với đồ dùng pha chế là đã có một quầy hàng tiện lợi. Bên cạnh đó cũng “mọc” lên nhiều quầy hàng di động trên vỉa hè chỉ với một chiếc xe đẩy nhỏ.
Thời điểm này, tiêu thụ mạnh nhất là nước mía, nước dừa, nước ép trái cây. Đa số khách hàng mua mang đến chỗ làm việc hoặc ăn dọc đường nên mỗi lần mua không nhiều, bù lại bán được cho nhiều người. Lượng tiêu thụ cao nhất thường vào buổi trưa và xế chiều, khi người dân tan làm, học sinh tan học.
Thời điểm này, các loại nước giải khát bán chạy hơn hẳn |
Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường hiện nay, dừa xiêm được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/quả. Nước mía có giá 7.000 – 10.000/cốc. Nước ép trái cây có giá dao động trong khoảng 20.000 – 40.000 đồng/cốc…
Một cửa hàng chuyên bán dừa tại Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300 – 400 quả dừa, bên cạnh đó là chè dừa với số lượng khoảng 100 cốc. Còn nhân viên pha chế của một quán nước ép trên đường Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ước tính một ngày chị làm khoảng 200 cốc nước, doanh thu từ 7 – 8 triệu đồng.
Các loại nước mía, nước dừa tươi với giá cả "mềm" là lựa chọn của nhiều khách hàng |
Trong thời tiết nắng nóng, hầu hết khách hàng dừng xe mua nước mang về |
Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh trong những ngày nắng nóng, hầu hết người kinh doanh thêm hình thức bán nước mía theo lít. Một lít nước mía nguyên chất thường có giá khoảng 25.000 đồng.
Tuy thị trường nước giải khát đã “vào mùa”, nhưng theo đánh giá của các chủ cửa hàng, lượng khách có tăng lên nhưng vẫn ít hơn nhiều so với mọi năm, nguyên nhân chủ yếu được cho là chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
“Do dịch bệnh tác động đến kinh tế nên mọi người đều thắt chặt chi tiêu, ưu tiên những khoản cần thiết. Vì thế mà năm nay tôi bán chậm hơn năm trước, lượng khách cũng không ổn định” – Chủ quán nước trên đường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
“Một ngày bán được 300 – 400 quả dừa chưa phải là nhiều. Bình thường mọi năm nắng nóng cửa hàng tôi tiêu thụ phải đến 600 quả mỗi ngày” – Chủ quán dừa tại Nghĩa Tân cho biết.
Bên cạnh nguyên nhân dịch bệnh, các tiểu thương cho hay, riêng mặt hàng dừa xiêm năm nay tiêu thụ kém hơn do miền Tây dính hạn mặn, quả dừa thu hoạch được ít hơn và giá bán cao hơn, dẫn đến sức mua yếu.
Trong thời gian tới thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, nền nhiệt có khả năng tăng cao hơn, các chủ hàng kinh doanh nước giải khát hy vọng lượng tiêu thụ sẽ cải thiện tốt hơn.