Thứ hai 18/11/2024 07:16

Nông sản Việt: Đừng thờ ơ với chỉ dẫn địa lý

Trong bối cảnh hội nhập, việc xây dựng, khai thác và quản lý càng nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại càng nhiều lợi ích kinh tế cho nông sản Việt Nam. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp, tổ chức, địa phương nào cũng nhận thức được điều này, khiến cho việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn chưa khai thác hết tiềm năng phát triển.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Chỉ dẫn địa lý là một dấu hiệu dùng để chỉ các sản phẩm có danh tiếng, chất lượng đặc thù hoặc các đặc tính khác biệt được tạo nên do các điều kiện tự nhiên, con người của một địa phương, khu vực hay một quốc gia nhất định. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, trên thế giới, hiện có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD.

Nông sản Việt Nam cần chú ý đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài

Đặc biệt, các nguyên tắc về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã ký có nêu rõ, nếu như có ai đó đã đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu thì người đó sẽ có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác. Như vậy đã rõ, để khẳng định chất lượng, thương hiệu và quảng bá được những sản phẩm đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế thì khâu quan trọng là đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tại tỉnh Sơn La - nơi được biết đến là vùng trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam, cây cà phê nơi đây được trồng từ hàng trăm năm trước, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, để giúp người dân nhận diện được một sản phẩm đặc sản lâu đời, năm 2017, Sơn La đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La. Đến nay, sản phẩm cà phê Sơn La đã có tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Đại diện Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La cho biết, cùng với cà phê Sơn La, đến nay, đã có hơn 20 sản phẩm nông sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý, 15 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, và 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. “Để phát triển sản xuất, khai thác hiệu quả những giá trị mà chỉ dẫn địa lý mang lại, Sơn La luôn quan tâm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất, cũng như tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm” - đại diện Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La chia sẻ.

Năm 2021, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Trước đó, vải thiều Lục Ngạn cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Mỹ, Singapore, Australia… Đây là bước tiến lớn khẳng định thương hiệu, danh tính của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Việt Nam, mở ra cơ hội xuất khẩu sang những thị trường cao cấp, khó tính trên thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang cho hay, xác định được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều khi xuất khẩu đi các nước, Bắc Giang ngay từ rất sớm đã quan tâm và chủ động phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhờ hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Tuy nhiên, để được bảo hộ ở các thị trường cao cấp đã khó, nhưng để duy trì và phát huy được còn là câu chuyện hết sức khó khăn trong thời gian tới.

Do đó, chúng tôi xác định tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của các tổ chức được giao quản lý chỉ dẫn địa lý. Tới đây chúng tôi cũng sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn cho người sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất mà đã công bố…” - ông Nguyễn Thanh Bình nêu.

Theo thống kê, giá bán sản phẩm sau khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng từ 20 -100%. Điển hình như chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) giá bán tăng 100 -130%; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng 10-15%. Hay, cam cam Cao Phong (Hòa Bình) giá bán tăng gần gấp đôi; bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá bán tăng lên 3,5 lần; chè Mộc Châu (Sơn La) được bán cao hơn từ 1,7 - 2 lần; chè Tân Cương (Thái Nguyên) cũng có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần...

Chưa khai thác hết tiềm năng

Là một nước nông nghiệp, cộng thêm các yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, danh tiếng, có tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể. Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có hàng nghìn sản phẩm nông sản đặc sản. Nhưng đáng buồn là trong số đó, chỉ có chưa đến 10% sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đặc biệt, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại nước ngoài lại càng hiếm.

Theo thống kê, đến nay Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp bảo hộ cho 101 chỉ dẫn địa lý. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý không chỉ ở trong nước mà còn ở những thị trường có tiềm năng xuất khẩu, thì nguy cơ khiến cho hàng hoá của Việt Nam bị mất nhãn hiệu và điều đó cũng đồng nghĩa với việc mất thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Câu chuyện của cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng. Tháng 6/2011, nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam từ năm 2005) đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu trên lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù lý lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi kiện, “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre…

Ông Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cho rằng: Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó việc này rất quan trọng để bảo vệ thị trường của chúng ta ở nước ngoài. Vấn đề sắp tới đây là cần phải hỗ trợ, hướng dẫn và giúp các địa phương có sản phẩm đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ ở trong nước mà cả các nước là thị trường tiềm năng.

Theo ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thái Nguyên, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tục đăng ký khá phức tạp, yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn cao… vì vậy, đòi hỏi sự quyết tâm “theo đuổi” đến cùng của lãnh đạo địa phương.

Chưa kể, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa đầy đủ về những yêu cầu khắt khe trong sản xuất khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. “Vấn đề cơ bản là nhận thức, thông tin tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thấy được giá trị của nó. Bởi tài sản trí tuệ là vô hình và không dễ dàng thấy được” - ông Phạm Quốc Chính nói.

Ông Lê Văn Tri - Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học - phân bón Fitohoocmon, Chủ tịch Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam cho biết: để thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống từ Nhà nước, đến chính quyền địa phương, tất cả các hội nghề nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến và các bên liên quan. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất và người dân cần thiết phải liên tục cải tiến sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, có như thế mới giữ vững được thương hiệu.

Trước vấn đề này, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Cục đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách, phối hợp và hỗ trợ các địa phương trong cả nước đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và phát huy hiệu quả loại tài sản trí tuệ này. Chúng tôi đã cùng với các địa phương xác định danh mục các sản phẩm cần đăng ký. Hiện nhu cầu địa phương thì nhiều nhưng cần xác định lộ trình, ưu tiên thứ tự, hướng dẫn địa phương trình tự thủ tục, đăng ký cũng như xây dựng quy chế quản lý, khai thác tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý…

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Chỉ dẫn địa lý

Tin cùng chuyên mục

Khi cuộc đua ứng dụng AI tăng tốc, nhân tài là yếu tố tạo nên sự khác biệt

Năm 2030, lợi ích từ trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp đạt 79,3 tỷ USD

Nguy cơ an ninh mạng vẫn là 'thảm hoạ' với sự tồn tại của doanh nghiệp

Hơn 49.000 xe Toyota bán ra thị trường trong 10 tháng qua

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần 19.500 máy bay mới

Khách mua Toyota Yaris Cross được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ

Các hãng xe ô tô tung ưu đãi nhằm kích cầu thị trường cuối năm

Triển khai hơn 300 trạm 5G Open RAN tại nhiều địa phương vào đầu năm 2025

Thị trường ô tô tháng 10: Top 5 ô tô bán chạy và 'ế khách' nhất

VinFast sẽ được 'bơm' 85.000 tỷ đồng từ Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Điều tra 1,4 triệu ô tô Honda tại Mỹ bởi liên quan lỗi động cơ

Đầu máy cũ 'lột xác' từ trí tuệ người Việt, ngành đường sắt thêm ‘sức đẩy’ mới

Thị trường ô tô tiếp tục tăng trưởng, gần 39.000 ô tô được bán ra trong tháng 10

Những thương hiệu ô tô bán chạy tại Việt Nam 10 tháng năm 2024

Về nhà an toàn - Thưởng thức bia có trách nhiệm vì ai đó cần bạn

Sau video cháy xe Porsche trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tài xế cần lưu ý gì?

Không chỉ các hãng ô tô, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng giảm 'rót vốn' vào Trung Quốc?

Tập trung phát triển bộ giải pháp, dịch vụ an ninh mạng cho doanh nghiệp

Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ cơ sở vật chất cho sản xuất bán dẫn

"Làn sóng" cắt giảm nhân sự tại nhiều hãng ô tô, có nơi đã đóng cửa nhà máy