Nông sản địa phương vươn mình ra thế giới
Chinh phục những thị trường khó tính nhất
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Kim Bôi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B tổ chức sự kiện lần đầu xuất khẩu nông sản chế biến sang Vương quốc Anh, gồm hành tăm muối Yên Thủy và mật ong rừng Kim Bôi.
Mật ong xuất khẩu được kiểm tra kỹ càng trước khi đóng thùng. Ảnh: R.Y.B |
Lô mật ong “chào sân” thị trường Anh lần này là sản phẩm của HTX Green Life. HTX đã xây dựng định hướng sản xuất cụ thể từ năm 2017 để các thành viên HTX chuẩn hóa từ khâu kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và đóng gói.
Trong quy trình sản xuất chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến theo tiêu chuẩn ISO22000. Số lượng tuy không nhiều nhưng được coi là một bước tiến quan trọng giúp sản phẩm OCOP Hòa Bình nói chung và mật ong nói riêng sự hiện diện tại một trong những thị trường khó tính nhất.
Công ty R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường nhập khẩu. Qua thăm dò, khảo sát, kiểm nghiệm doanh nghiệp đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của Hòa Bình, trong đó, sản phẩm mật ong rừng Kim Bôi sẽ là một sản phẩm có tính cạnh tranh cao tại thị trường Anh nhờ độ sánh đặc, hương vị đặc biệt của hoa rừng.
Để có được lô mật ong đầu tiên đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Anh, Công ty R.Y.B đã phải mất hơn 1 năm đàm phán với các đối tác, điều chỉnh phương thức sản xuất, chế biến và đóng gói theo tiêu chuẩn, quy định của Anh. Lô mật ong đầu tiên đi Anh được khai thác từ rừng tự nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi.
Theo bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Điều hành Công ty R.Y.B, Vương quốc Anh là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nếu nắm bắt được cơ hội và đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu trên, bức tranh về việc mở rộng thị trường sẽ rất tươi sáng.
Số liệu nhiều năm trước cho thấy, thị trường EU vẫn là khách hàng lớn nhất toàn cầu về mật ong, chiếm 22% tổng tiêu thụ toàn cầu, trong đó Đức đứng đầu, chiếm 23% tổng số mật ong tiêu thụ ở châu Âu (khoảng 85.000 tấn), Anh khoảng 12%, Pháp 10%...
Còn tại Hà Giang, từ đầu năm đến nay, đã có 3 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Xín Mần đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường chính ngạch.
3 sản phẩm nông sản xuất khẩu bao gồm củ cải muối, củ kiệu và gừng trâu muối. Từ đầu năm đến nay, huyện Xín Mần phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam - Misaki thực hiện xuất khẩu 80 tấn củ cải muối, 45 tấn củ gừng muối, 34 tấn kiệu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần, việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ đã cho ra nguyên liệu nông sản đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là kết quả sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chuỗi liên kết, kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông sản của huyện.
Mô hình liên kết chuỗi giá trị đảm bảo cho đầu ra ổn định, bền vững, thu nhập của người dân tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô. Vùng nguyên liệu trồng củ cải, gừng trâu chủ yếu ở xã Xín Mần, Nàn Ma; vùng nguyên liệu trồng củ kiệu ở xã Nàn Ma và Bản Díu. Hiện tại, Công ty TNHH Việt Nam - Misaki xây dựng xưởng chế biến tại xã Nàn Ma, tạo thuận lợi cho việc thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, công ty cũng đã mời chuyên gia Nhật Bản trực tiếp hướng dẫn cho bà con nông dân trong vùng nguyên liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc…
Nỗ lực gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… trong sản xuất và xuất khẩu đạt kết quả khả quan.
Theo đó, trong 9 tháng qua, hầu hết các nhóm hàng nông sản xuất khẩu đều tăng, góp phần đưa kim ngạch đạt hơn 46 tỷ USD, tăng 21%. Ngoài ra, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cũng tăng so cùng kỳ, từ đó giúp doanh nghiệp và nông dân có được lợi nhuận đáng kể.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhìn nhận, có kết quả như trên là nhờ chủ trương tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp thời gian qua được thực hiện quyết liệt và đúng hướng. Mô hình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã được lan tỏa rộng khắp và đón nhận sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, hợp tác xã, nông dân… Mặt được là vậy, tuy nhiên để ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2024 thì những tháng cuối năm còn nhiều việc phải làm.
Bên cạnh các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, các đại sứ quán, doanh nghiệp… đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… Đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; tháo gỡ rào cản của các nước đặt ra và gia tăng xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm rủi ro. Bên cạnh đó, chú trọng việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản vừa tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng thế giới và tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể thấy, với sự đồng hành của các Bộ, ngành, chức năng, sự vào cuộc của các địa phương trong việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, đáp ứng được quá trình chế biến sản phẩm. Nông sản chủ lực của các địa phương từng bước hình thành hàng hoá có giá trị cao và góp phần quảng bá, tiêu thụ mạnh mẽ ra thị trường trong và ngoài nước.