Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng đổi đời từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Lễ phát động triển khai đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” sẽ được diễn ra vào sáng mai 12/12/2023 tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Chương trình này nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Đề án sẽ được áp dụng thực hiện tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 1 triệu ha trồng lúa. Đề án này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường như: Nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững và góp phần bảo vệ môi trường và giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính.
Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng đổi đời từ đề án 1 triệu ha trồng lúa chất lượng cao |
Trước đó, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Đề án trên hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại COP26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Sau lễ phát động là Chương trình Trình diễn đồng ruộng, sự kiện này cũng nằm trong Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Đây cũng là cơ hội kết nối hiệu quả các mắt xích cốt yếu để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững gồm nông dân, doanh nghiệp, khoa học và chính sách.