Nỗ lực hoàn thành kế hoạch khuyến công quốc gia
Theo Cục Công Thương địa phương (CTĐP - Bộ Công Thương), năm 2022, Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) được giao 140 tỷ đồng, thực hiện 122 đề án tại 47 địa phương. Tuy nhiên, do ngân sách trung ương phân bổ chậm, hiện dự toán kinh phí giao trực tiếp về các đơn vị mới trên 29 tỷ đồng, đạt 20,7% kế hoạch năm.
Nghiệm thu máy rửa thanh long thuộc Chương trình Khuyến công quốc gia |
Trong nửa đầu năm 2022, Cục CTĐP đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra, giám sát tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc, Trung, Nam. Phối hợp với tỉnh Ninh Thuận, Thanh Hóa, Tây Ninh chuẩn bị tổ chức Hội nghị khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn(CNNT) tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. Đồng thời, phối hợp với Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương trung ương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức khuyến công cho cán bộ, cộng tác viên khuyến công. Hiện, Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương trung ương đang xây dựng lại khung chương trình, dự kiến tổ chức các lớp đào tạo từ tháng 8/2022.
Là đơn vị thực hiện các đề án KCQG ở khu vực phía Bắc, ngay từ đầu năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) đã tổ chức khảo sát thực tế cơ sở CNNT, phối hợp triển khai các đề án khuyến công tại: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… Do ngân sách trung ương phân bổ chậm, trung tâm 1 mới giải ngân được 1,4 tỷ đồng/4 đề án, đạt 5,74% trong tổng số kinh phí được giao.
Theo đánh giá từ Cục CTĐP, dù nguồn ngân sách về chậm, Cục CTĐP đã nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, đơn vị triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện đề án khi có kinh phí. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các công việc có liên quan. Cục tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát về tình hình thực hiện công tác khuyến công, cụm công nghiệp; qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Do nguyên nhân khách quan, tiến độ triển khai kế hoạch KCQG có nguy cơ bị chậm. Trước hiện trạng đó, Cục CTĐP đã có định hướng giải pháp. Theo đó, Cục tiếp tục rà soát, thẩm định hồ sơ các đề án đăng ký bổ sung kế hoạch KCQG năm 2022, trình phê duyệt; dự thảo, ký kết các hợp đồng KCQG theo quy định; đôn đốc các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, nghiệm thu cơ sở, tạm ứng, thanh toán các hợp đồng KCQG có hồ sơ đủ điều kiện theo quy định.
Cùng đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đề án KCQG cho phù hợp. Phối hợp với Sở Công Thương, trung tâm khuyến công các tỉnh Ninh Thuận, Thanh Hóa, Tây Ninh tổ chức Hội nghị khuyến công, Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu năm 2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát các đề án KCQG năm 2022.
Với Trung tâm 1, đơn vị tiếp tục tổ chức triển khai các đề án khuyến công được giao, khảo sát kế hoạch KCQG năm 2023; tiếp tục triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia”.
Cục Công Thương địa phương đang phối hợp với các đơn vị, địa phương khắc phục mọi khó khăn phát sinh, triển khai đề án KCQG nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch của chương trình. |