Ninh Thuận “trải thảm” mời doanh nghiệp Bình Dương đầu tư phát triển công nghiệp
UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết, từ Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định 5 cụm ngành đột phá. Ninh Thuận xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, du lịch.., hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Ninh Thuận ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm, hình thành hệ sinh thái đồng bộ tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, chế biến công nghiệp và các ngành trụ cột của tỉnh...
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Thảo |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Thành Hải, Khu công nghiệp Du Long, Khu công nghiệp Phước Nam với tổng diện tích 855ha và Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827ha đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; hiện tại, các Khu công nghiệp mới lấp đầy đạt 21%; và 6 cụm công nghiệp, với quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp còn khá lớn, với mức giá cho thuê thấp hơn nhiều so với mức giá của các tỉnh trong khu vực, bằng khoảng 20-30% là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện địa phương đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, hạ tầng giao thông đồng bộ, hệ thống cảng biển đang được hoàn thiện, sân bay đang được đầu tư. Do đó, Ninh Thuận mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư, các khu, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Bình Dương.
"Tỉnh Ninh Thuận cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới", Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh.
Khu công nghiệp Du Long có tổng diện tích rộng hơn 407ha |
Nhiều doanh nghiệp Bình Dương kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cần có chính sách ưu đãi đặc biệt (thuế, đất đai, lao động) tạo hấp dẫn cho doanh nghiệp, đồng thời, sẵn sàng hạ tầng về giao thông để đón các nhà đầu tư.
Đặc biệt, đại diện Tổng Công ty Becamex IDC cho biết sẽ có kế hoạch nghiên cứu cụ thể hơn, sâu hơn việc đầu tư tại Ninh Thuận. Hiện đơn vị này đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 9 tỉnh trên cả nước để phát triển khu công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hội nghị này sẽ trở thành cầu nối đáng tin cậy để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Binh Dương tìm hiểu môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng tin tưởng, với lợi thế là cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư sẽ đến tỉnh Ninh Thuận để tìm hiểu, hợp tác, mở rộng đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của hai bên, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững.
Về lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, Ninh Thuận có 102 dự án với tổng vốn đăng ký 28.497 tỷ đồng với 68 dự án đã hoạt động, 15 dự án đang thi công và 19 dự án đang hoàn tất các thủ tục đầu tư. Trong năm 2023, Ninh Thuận đang tập trung thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam; hoàn thành cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 có trọng tải đến 100.000 DWT. Tập trung thu hút và triển khai một số dự án đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp góp phần tạo năng lực mới tăng thêm cho công nghiệp chế biến, chế tạo. |