Những trường hợp cải tạo xe bị từ chối đăng kiểm từ ngày 15/2
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam lưu ý các trường hợp có thể bị từ chối đăng kiểm sau khi Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 15/2.
12 trường hợp thay đổi có thể bị từ chối đăng kiểm
Ngày 13/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết tình hình hoạt động kiểm định xe cơ giới năm 2023; Giới thiệu văn bản Quy phạm pháp luật; triển khai thực hiện Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT, Thông tư số 44/2023/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
Theo đó, Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thông tư 43). Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2024.
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại buổi hội nghị, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, Thông tư 43 được coi là đột phá trong công tác đăng kiểm. “Có thể coi đây là món quà của Cục Đăng kiểm cho người dân ngay dịp đầu năm 2024 về vấn đề đăng kiểm”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm, Thông tư đưa ra định nghĩa chi tiết xe cơ giới trước cải tạo là xe cơ giới đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu; chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Đặc biệt, các trường hợp có thể bị từ chối đăng kiểm khi thay đổi 1 trong các nội dung ở phụ lục XI. Phụ lục này có 12 trường hợp thay đổi:
Cụ thể: loại phương tiện; nhãn hiệu; Kích thước và khối lượng cơ bản của ô tô; số người cho phép chở kể cả người lái; kiểu dáng, kết cấu của cabin, khung hoặc thân vỏ ô tô; kiểu loại động cơ, hộp số, cầu chủ động; Loại nhiên liệu sử dụng; Hệ thống phanh: kiểu dẫn động, cơ cấu phanh.
Hệ thống lái: kiểu cơ cấu lái; hệ thống treo: kiểu hệ thống treo, kiểu kết cấu của bộ phận đàn hồi; hệ thống chuyển động: kiểu loại cầu bị động; thiết bị đặc trưng (nếu có): thiết bị chuyên dùng, cơ cấu chuyên dùng.
Đơn giản hóa thủ tục cải tạo xe cơ giới
Ông Nguyễn Tô An nhấn mạnh, ngoài việc làm rõ các quy định về cải tạo xe cơ giới, Thông tư 43 cụ thể hóa và đơn giản hóa các bước, trình tự thực hiện, mẫu hóa các văn bản đề nghị, thông báo, tiếp nhận, phiếu kiểm soát quá trình thực hiện giúp cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý dễ thực hiện và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Theo ông An, Thông tư 43 đơn giản hóa các thủ tục trong thực hiện cải tạo xe cơ giới. Làm rõ các trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi để đơn giản hóa thủ tục trong cải tạo, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện khi đi kiểm định.
Đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới. |
Trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không làm thay đổi đặc điểm, kiểu loại phương tiện thì không được coi là cải tạo thì tiếp tục được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.
Ví dụ: lắp đặt thêm mui gió trên nóc cabin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe…
Cùng đó, bổ sung các trường hợp được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo để đơn giản hóa các thủ tục cải tạo: Thay đổi bố trí chỗ ngồi hành khách hoặc cửa xếp dỡ hàng hóa của thùng hàng hoặc vật liệu bọc, lót thùng hàng….
Cho phép các cơ sở thiết kế cung cấp cho chủ phương tiện văn bản đồng ý sử dụng bản sao hồ sơ thiết kế do chính Cơ sở thiết kế tự thiết kế và đã được cơ quan thẩm định thiết kế thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo quy định tại Thông tư này cho các xe cơ giới có cùng nhãn hiệu, số loại, thông số kỹ thuật với xe cơ giới trước cải tạo, để làm cơ sở cho việc thi công và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo cho các xe cơ giới tương tự.