Những thực phẩm tốt cho người bị mỡ máu cao
Mỡ máu cao liên quan đến các bệnh tim mạch
Mỡ máu cao là hiện tượng cholesterol, triglyceride tăng cao khi cơ thể dư thừa chất béo không kịp đào thải hoặc chuyển hóa. Điều này sẽ làm tăng lượng mỡ trong máu.
Mỡ máu cao là hiện tượng cholesterol, triglyceride tăng cao khi cơ thể dư thừa chất béo không kịp đào thải |
Chứng mỡ máu cao thường có biểu hiện ở người béo, thừa cân. Toàn thân có cảm giác nặng nề, ăn kém ngon, hay bực bội, cáu gắt, nhức đầu…
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Tình trạng mỡ máu cao trong thời gian dài và không được điều trị là nguyên nhân của nhiều căn bệnh tim mạch nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh động mạch cảnh, động mạch vành, động mạch ngoại biên…
Tuy nhiên, hầu như tình trạng mỡ máu cao không có triệu chứng cụ thể, rõ ràng. Thông thường, điều này chỉ được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu định kỳ hoặc cho đến khi người bệnh gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bởi nó tạo nên các mảng bám tích tụ bên trong mạch máu, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ do máu bị cản lại một phần, khiến các chất dinh dưỡng và oxy cần thiết không được cung cấp đủ cho não và tim để các cơ quan này hoạt động.
Mỡ máu cao sẽ dẫn đến sự tích tụ và hình thành mảng bám bên trong mạch máu theo thời gian, được gọi là xơ vữa động mạch. Càng để lâu và không được điều trị, mảng bám sẽ càng lớn, dẫn đến các mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
Các thực phẩm nên tránh
Tuyệt đối tránh tiêu thụ thức ăn nhanh khi bị máu nhiễm mỡ, sở dĩ vì các loại đồ ăn nhanh như xúc xích, thịt hun khói, gà chiên, khoai tây chiên hay hamburger… chứa nhiều cholesterol. Ngoài ra, lượng đường và muối khá cao trong những món này cũng không tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, bánh ngọt cũng không phù hợp với người bị máu nhiễm mỡ. Giữa đường và cholesterol trong cơ thể luôn tồn tại một sự liên quan đáng bàn. Những người thường xuyên nạp lượng đường lớn vào cơ thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ cholesterol và mỡ triglyceride trong máu ở mức nguy hiểm. Do đó, các loại kẹo bánh ngọt chứa nhiều đường tinh chế và cả chất béo chuyển hóa nhanh nên không phù hợp với người bị máu nhiễm mỡ.
Những người có mỡ máu cao không nên ăn hoặc ăn hạn chế các món từ nội tạng động vật; lòng đỏ trứng; mỡ động vật; đường và không dùng nhiều rượu. Hàm lượng chất béo chỉ nên chiếm 15-20% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể hằng ngày. Đồng thời bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ cần chú ý không nên ăn tối quá muộn
Chế độ ăn cho người bị máu nhiễm mỡ
Giảm lượng cholesterol trong thực phẩm: Đây chính là nguyên tắc hàng đầu mà bệnh nhân cần hết sức lưu ý do cholesterol tăng cao đồng nghĩa với việc lượng mỡ trong máu cũng vì thế mà tăng theo. Do đó, bệnh nhân máu nhiễm mỡ nên hạn chế tiêu thụ các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt lợn... vì những loại thịt này vốn sở hữu nhiều cholesterol.
Một số loại thực phẩm chứa ít cholesterol nên được ưu tiên lựa chọn trong thực đơn hàng ngày bao gồm: thịt gà bỏ da, cá, thịt vịt, ngũ cốc, rau xanh, bí đỏ, thịt nạc, hoa quả, nấm hương...
Tăng cường ăn hoa quả tươi: Hàm lượng chất xơ chứa trong hoa quả tươi thường sẽ nhiều hơn trong các ly nước ép. Chất xơ có tác dụng hạn chế lượng lớn cholesterol và chất béo hấp thu vào cơ thể, bên cạnh đó còn cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
Các thực phẩm nên bổ sung như: Hạt yến mạch, hạt hạnh nhân. Hạt hạnh nhân có chứa lượng lớn chất béo không bão hòa; các khoáng chất và vitamin có tác dụng giảm cholesterol xấu. Ngoài ra hạnh nhân còn kiểm soát tốt tình trạng rối loạn lipid máu.
Cá hồi luôn nằm trong top đầu danh sách món ăn tốt cho đường máu và tim mạch. Trong cá hồi chỉ có 20mg cholesterol và chứa lượng lớn axit Omega 3 béo không bão hòa. Các chất này đều có tác dụng giảm 2 chỉ số cholesterol xấu và triglyceride. 2 chỉ số quan trọng gây nên các bệnh tim mạch và mỡ máu cao.
Nên bổ sung các loại rau xanh |
Rau diếp cá, rau cần tây, súp lơ, mướp đắng (khổ qua), tỏi, trà xanh… Một số chiết xuất trong cần tây như magnesium; butylphathalide; pthalides; sắt… giúp kích thích tiết dịch mật tăng cường độ hoạt động để đào thải mỡ máu ra bên ngoài.
Trong y học cổ truyền, cần tây có vị ngọt đắng; mát; tác dụng dưỡng huyết mạch tốt; thanh nhiệt; hạ hỏa. Cần tây điều trị tốt cho bệnh đái tháo đường và giảm bớt các triệu chứng bệnh huyết áp.
Nước ép cần tây là thức uống dễ thực hiện, uống thường xuyên trong khoảng 1 tháng sẽ thấy lượng mỡ trong máu giảm xuống rõ rệt, cải thiện tình trạng thiếu máu.
Y học đã chứng minh, mướp đắng là “kẻ thù của chất béo” vì khả năng phân hủy mỡ thừa, giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu về mức an toàn.
Điều trị mỡ máu cao
Nếu được chẩn đoán mắc mỡ máu cao, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống, bỏ hút thuốc lá và tăng cường tập thể dục để ngăn ngừa bệnh tiến triển. Sau một vài tháng, nếu mức mỡ máu không giảm, người bệnh có thể dùng thuốc giảm cholesterol.
Bên cạnh đó, cần thay đổi lối sống, một chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa, cân bằng dinh dưỡng có thể làm giảm mức cholesterol xấu. Người bệnh nên cố gắng tránh hoặc cắt giảm các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ, xúc xích, pho mát, bánh nướng, bánh ngọt, kem dừa… Thay vào đó nên sử dụng các loại thực phẩm nhiều axit béo omega-3 có trong cá thu, cá hồi, cá ngừ… với mức độ vừa phải, phù hợp.
Với những người có chỉ số máu nhiễm mỡ cao bác sỹ sẽ khuyến cáo sử dụng thuốc. Hiện có một số thuốc hạ mỡ máu như Statin, Ezetimibe. Ezetimibe là một loại thuốc ngăn sự hấp thụ cholesterol từ thức ăn và dịch mật trong ruột vào máu. Người bệnh có thể dùng ezetimibe kết hợp với statin nếu mức cholesterol không giảm thấp khi chỉ dùng statin.
Ezetimibe cũng có thể được dùng thay thế nếu không thể dùng statin. Điều này là do người bệnh mắc một bệnh lý khác, khi dùng thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến cách hoạt động của statin hoặc do người bệnh gặp phải tác dụng phụ của statin.
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh: Người lớn khỏe mạnh nên kiểm tra mỡ máu mỗi năm hoặc thường xuyên hơn tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe tổng thể và các yếu tố nguy cơ khác. |