Lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng các bộ, ngành nhấn nút chính thức thông hầm Đèo Cả |
Tháng 7, tôi cùng vài nhà báo, nhà văn đến với Tổng công ty Đèo Cả ở Phú Yên, dự Lễ thông hầm Đèo Cả trên quốc lộ số Một. Con đèo chênh vênh, hiểm trở nay mai sẽ được thay bằng hai cái hầm xuyên núi dài gần 5 cây số (hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m) và hơn 8 cây số đường dẫn, do người Việt Nam ta tự nghiên cứu, đầu tư và thi công. Khi hoàn thành, chiều dài quãng đường qua đèo, mười phần chỉ còn chừng sáu phần, thời gian chạy xe chỉ còn gần hai phần so với mười phần trước đây. Công nghệ mới, tư duy hiện đại, tự chủ, làm việc quyết liệt của những con người đầy tâm huyết rồi sẽ giúp ta “phóng vùn vụt”, khoảng chừng độ mười phút là qua con đèo xưa.
Chưa có tác phẩm nào vượt qua được bài thơ Đèo Cả mà Hữu Loan viết hồi đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946. Cứ đọc đi, đọc lại trong tâm trí những câu thơ về người cùng làng gặp nhau nơi chiến tuyến Đèo Cả, với thần thái: “Tóc râu trùm vai rộng/không nhận ra người làng”, trong bối cảnh: “Rau khe/cơm vắt/áo phai màu sa trường/ngày thâu vượn hú/đêm canh gặp hùm lang thang”. “Những người/gian nguy lòng không nhụt/căm hờn trăm năm xa”, gặp nhau giữa đường chinh chiến “lặn lội bao rừng suối/ăn với nhau bữa heo rừng/công thui/chấm muối/và trên sạp cây rừng/tâm tình suốt tối” rồi “biệt nhau/rừng hoang canh gà/râu ngược/chào nhau bên vách núi”… Đó là những người từ một làng quê nào đấy ở miền Bắc đã Nam tiến làm nên thắng lợi thần kỳ, như từ cái làng vùng Nga Sơn, Thanh Hóa, khi Hữu Loan đã lui về ở ẩn, ngày ngày vác đá bán để kiếm sống, nuôi các con ăn học, hay như cái làng quê của tôi ở Thái Bình, vùng châu thổ sông Hồng.
Trong những người xuyên núi mở hầm Đèo Cả hôm nay, tôi cũng gặp bao nhiêu con người xuất thân từ những làng mạc từ ngoài Bắc vào, từ Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ… Rồi những người từ Hà Nội, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sài Gòn…
Như cách đây 70 năm, những người các làng mạc ấy ở chiến tuyến Đèo Cả, đánh trận với “giặc từ Vũng Rô bắn tới/giặc từ trong đánh ra…/chân Đèo Nam/máu giặc/mấy lần nắng khô”. Và còn từ lịch sử xa xưa hơn nữa. Những người Đèo Cả nay cũng đang “đánh một trận” thật quy mô và quyết thắng, cũng bi tráng và lẫm liệt, để đẩy lùi những hiểm nguy và cản trở của Đèo Cả xưa, để đưa vùng đất cực Đông của đất nước cất cánh bay lên trong tương lai.
Những người của Đèo Cả hôm nay gồm nhiều thế hệ, nhiều thành phần, cả những người đã kinh qua chiến tranh đến những người thật trẻ. Mà những người trẻ lại nắm cương vị chủ chốt quyết định trong sự trao gửi tin cậy của lớp cha anh.
Vào cái Tết năm 1965, khi người anh hùng Hồ Đắc Thạnh của quê hương Phú Yên, thuyền trưởng tàu không số, trên đường chuyển vũ khí bí mật vào Nam bộ, đã neo tàu nơi Vũng Rô ăn Tết, để cùng đồng đội hướng ánh mắt mình vào núi Đá Bia, vào Đại Lãnh, Đèo Cả Hổ Dương, cho thỏa nỗi nhớ quê hương và mong nhanh đến ngày thống nhất, thì những người trẻ làm nên Đèo Cả hôm nay như Hồ Minh Hoàng - Tổng giám đốc và cả các Phó Tổng giám đốc của Tổng công ty Đèo Cả là Lê Quỳnh Mai, Đỗ Văn Nam, Nguyễn Quốc Ánh, Nguyễn Tấn Đông, Trần Phúc Tự, còn chưa được sinh ra. Trong dàn nhân sự làm nên hồn cốt của Tổng công ty Đèo Cả, có lẽ chỉ Hội đồng cố vấn với nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - TS. Hồ Nghĩa Dũng, PGS.TS. Trần Chủng, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Đại tá Lê Đức Hiệp cùng Chủ tịch HĐQT - TS. Nghiêm Sỹ Minh là thuộc lớp người thế hệ trước, còn tất cả đều đang sung sức 7X.
Sức trẻ đã làm nên công trình tầm cỡ, mang thương hiệu Việt |
Mà đã trẻ, đã 7X, 8X thì phong cách làm việc, phong cách kết nối để tạo nên sức mạnh tổng hợp đã là rất khác, rất nhanh và hiện đại, lại được hỗ trợ tin tưởng của lớp người đi trước, lại thu hút được nhân tài, chất xám của trí tuệ trong và ngoài nước. Tôi rất thú vị với việc kết hợp nhanh chóng giữa Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) với Hải Thạch B.O.T để hình thành nên Tổng công ty Đèo Cả ban đầu. Rồi Hồ Minh Hoàng gặp Nguyễn Văn Thắng (khi đó là Tổng giám đốc, nay là Chủ tịch VietinBank). Hai người trẻ gặp nhau đã thống nhất hợp lực. Đèo Cả đang tính chuyện vay vốn từ hai ngân hàng lớn của Pháp, thủ tục hòm hòm rồi, nhưng vẫn thấy nhiều băn khoăn vì các khoản phí cao, điều kiện bảo hiểm tín dụng cùng với yêu cầu phải chọn lựa các nhà thầu nước ngoài, khá nhiều bất lợi. Rất nhanh, lúc đó Chủ tịch Phạm Huy Hùng và Ban lãnh đạo VietinBank, với tầm nhìn về hiệu quả kinh tế - xã hội và đầu tư, đã thấy dáng vóc của Đèo Cả trong tương lai, quyết định làm nhà tài trợ vốn rồi thành cổ đông chiến lược, là đối tác tài chính duy nhất của Tổng công ty Đèo Cả trong triển khai dự án. Và thế là công trình Đèo Cả đã trở thành hoàn toàn tự chủ của người Việt Nam. Và còn nữa những hợp tác, hợp lực, từ Sông Đà 10, Cienco 492, Vinavico, Lũng Lô, Quản Trung, Á Châu, NCB, Hoàng Long, Mai Linh, Bản Thái…
Đèo Cả là một công trình giao thông trọng điểm của quốc gia với cách thức hợp lực và tiến hành tự lực, hoàn toàn mới mẻ. Chính vì thế mà trong quá trình mở hầm xuyên núi, các lãnh đạo cao cấp, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng… đã đến tận hiện trường để kiểm tra, động viên, khích lệ cán bộ, công nhân ngày đêm làm việc đến quên mình.
Vượt qua những thách thức bất ngờ của kết cấu địa chất, việc khảo sát thăm dò kỹ càng, khoa học, quyết định phương án thiết kế chuẩn nhất, quá trình khoan hầm bằng các thiết bị tốt nhất với tốc độ thần tốc, đạt kỷ lục thế giới trong sự giám sát kỹ thuật và an toàn nghiêm ngặt nhất đã cho ra một kết quả hầm thông với kết cấu tự nhiên đẹp hoàn hảo như mơ, không có gì còn đáng ngại ảnh hưởng lớn cho giai đoạn thi công tiếp theo.
Đèo Cả là đầu tư trong nước, vốn là của ta, nguồn lực thi công cũng hoàn toàn của ta. Đèo Cả làm hai đường hầm, lưu thông xe một chiều, tiết kiệm lớn về chi phí hệ thống thông và thoát khí, tiết kiệm cả hệ thống cứu hộ, cứu nạn khi đường hầm này là đường cứu hộ, cứu nạn của đường kia, nối nhau bằng các ngách thông sang nhau. Ấy, cái tư duy thiết thực, tiết kiệm của ta, lại thành đột phá của công nghệ phù hợp nhất, là như vậy đấy.
Đèo Cả xong, sẽ hình thành nên một thế hệ kỹ sư mới, một thế hệ nhà thầu và nhà đầu tư mới trong nước. Họ đã đủ trưởng thành và kinh nghiệm, đủ sức và lực để đảm nhận mọi dự án hạ tầng có yêu cầu cao nhất mà trước đây chỉ các nhà thầu quốc tế mới nhận làm được. Sau công trình này, Tổng công ty Đèo Cả đã hướng tới những dự án mới, như hầm đường bộ Hải Vân 2, hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, rồi tính đến các công trình ở nước ngoài, trong vùng Đông Nam Á…
Đất Phú Yên nghèo, chưa thấy rõ thế mạnh, lại bị ngăn cách phía Bắc là đèo Cù Mông, phía Nam là Đèo Cả và Cổ Mã. Năm tới, hầm đường bộ Đèo Cả và Cổ Mã sẽ xong, tiếp đấy là hầm đường bộ Cù Mông. Cảng Vũng Rô thành cảng biển nước sâu, tàu quốc tế cập vào. Sân bay Tuy Hòa nâng cấp, mở rộng. Đã thấy thênh thênh con đường đến Phú Yên mở ra bốn phương: Ngược Bắc ra Quy Nhơn, Bình Định, Quảng Ngãi, Chu Lai… Xuôi Nam, nối khu kinh tế Nam Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong, với Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết… Rồi hướng lên Tây Nguyên. Tất cả sẽ hội tụ, mở ra phía Đông biển lớn, vùng đất núi và biển cực Đông của Tổ quốc sẽ phát tiết nhiều thế mạnh, để cất cánh.
Trong cái ngày trọng đại khi hai mũi hầm Đèo Cả đã giáp gần nhau, mấy quả mìn cuối cùng nổ vang, để thông sang nhau cả một đoạn ruột núi đá dài hơn 4 cây số, chỉ dung sai 3cm, thì lúc ấy những hoài nghi cuối cùng rằng người Việt ta khó có thể tự làm lấy được một công trình trọng điểm xuyên núi công nghệ cao cỡ như thế này, mới tan đi theo khói mìn trắng. |