Dự kiến thông hầm Bãi Gió đường sắt Bắc - Nam trong 72 giờ tới Chốt phương án xử lý dứt điểm việc sạt lở hầm Bãi Gió đường sắt Bắc - Nam |
Chiều 15/4, tại hiện trường sạt lở hầm Bãi Gió (huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà), ngành chức năng đang triển khai nhiều mũi thi công để khắc phục sự cố, phấn đấu thông tuyến đường sắt Bắc - Nam trong 72 giờ tới.
Do địa chất đèo Cả phức tạp, liên tục sạt lở, phương án thi công được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các chuyên gia đưa ra dù đúng hướng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc cho công nhân thi công bên trong hầm Bãi Gió, ngay phía trên nơi sườn núi đèo Cả, ngành chức năng cho 2 mũi khoan thẳng xuống vòm hầm, sau đó đổ bê tông vào nhằm vá sạt lở.
Phóng viên Báo Công Thương ghi nhận tại sườn núi đèo Cả, nơi hàng chục công nhân đang tranh thủ thi công trong thời tiết nắng nóng, chiều 15/4. |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án 85 - Bộ Giao thông vận tải (chỉ huy thi công tại hiện trường), việc làm này nhằm gia cố sườn núi, hạn chế tình trạng sạt lở vào thân hầm. Trong khi đó phía trong hầm sẽ tiến hành gia cố thép tăng sức chịu lực cho vòm hầm.
“Dùng các ống sắt bơm bê tông từ trên xuống để cứng hoá những điểm sạt lở. Hiện các đơn vị như Tổng công ty Sông Đà, Công ty Lũng Lô,… cũng hỗ trợ, tập trung cao độ cho việc thông hầm. Tất cả đều cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất”, ông Tuấn cho hay, do tuyến hầm đường sắt giao chéo bên dưới với quốc lộ 1 khu vực Đèo Cả, từ khi không cho các loại xe ô tô đi trên đèo thì lượng đất đá rơi xuống hầm đã giảm hẳn. Tuy nhiên ngành đường sắt đang cố gắng sớm khắc phục để mở đường trở lại.
Sườn núi đèo Cả, nơi ngành chức năng cho 2 mũi khoan thẳng xuống vòm hầm Bãi Gió nhìn từ trên cao. |
Địa hình dốc khiến việc vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu gặp khó khăn. |
Đơn vị thi công phải sử dụng máy múc để san gạt đất, vận chuyển xi măng lên địa điểm. |
Có 2 máy khoan, mỗi máy sẽ do 4-5 công nhân phụ trách. |
Đơn vị thi công cũng khoan địa chất nhằm xây dựng biện pháp thi công hữu hiệu nhất. |
Đến chiều 15/4, đơn vị thi công đã hoàn thành xong 1 mũi khoan đến vòm hầm Bãi Gió, độ sâu hơn 23 m, đang cho đổ bê tông vào. Còn 1 mũi hầm mới khoan đến độ sâu gần 15 m, đang đến lớp đất đá cứng, nếu thuận lợi thì trưa ngày 16/4 sẽ chạm vòm hầm. |
Gần địa điểm thi công, lãnh đạo ngành đường sắt thảo luận với tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư về công đoạn khắc phục sự cố. |
Bên cạnh việc khoan từ sườn núi đèo Cả, ngành chức năng cũng tiến hành sử dụng cọc sắt để gia cố phía bên trong hầm Bãi Gió. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Trần Hoà Nam (áo trắng, bìa trái) kiểm tra sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, chiều 15/4. |
Cũng trong chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Trần Hoà Nam đến kiểm tra, làm việc với huyện Vạn Ninh, các đơn vị ngành đường sắt về sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.
Tại hiện trường, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết sau khi sự cố hầm Bãi Gió xảy ra, địa phương đã phối hợp ngành đường sắt đảm bảo việc trung chuyển hành khách, và sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành đường sắt khắc phục sự cố, sớm thông tuyến đường sắt cũng như đường bộ qua đèo Cả. Đồng thời đề nghị các đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động trong quá trình thi công trên núi cao cũng như trong hầm nhỏ, hẹp.
Trưa 12/4, mái hầm đường sắt Bãi Gió (Km1231+100, đoạn qua địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bất ngờ bị sạt lở, khoảng 180 m3 đất, đá đổ xuống đường ray, đến nay vẫn đang tiếp tục sạt lở, gây khó khăn cho công tác khắc phục. Hiện gần 200 công nhân và nhiều máy móc, phương tiện đang khắc phục song chưa hoàn thành, dự kiến tốn thêm 72 giờ nữa. Đến ngày 15/4, ngành chức năng đã chuyển tải 36 chuyến tàu với hơn 10.000 hành khách qua lại giữa ga Giã (Khánh Hoà) và ga Tuy Hoà (Phú Yên) do sự cố nêu trên. |