Bảng xếp hạng các trường đại học bởi US News được xem là một nguồn tham khảo phổ biến hiện nay. Mặc dù được xem là có độ chính xác cao, nhưng vẫn còn những hoài nghi về số liệu giáo dục của hãng truyền thông này của Mỹ.
Bảng xếp hạng US News ra đời từ năm 1983 bao gồm nhiều danh sách xếp hạng ở các lĩnh vực khác nhau, trong đó có giáo dục - đào tạo, mà cụ thể là xếp hạng các trường đại học, cao đẳng.
Từ việc xem danh sách xếp hạng các trường trên, sinh viên có thể đưa ra lựa chọn ngôi trường phù hợp với những gì họ đang tìm kiếm. Bên cạnh đó, bảng xếp hạng có thể cung cấp điểm trung bình, điểm kiểm tra tiêu chuẩn và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong Top 10% và 25%. Với những con số này, sinh viên sẽ xác định mục tiêu rõ ràng để trở thành một ứng viên đủ tiêu chuẩn.
US News hằng năm đều cập nhật bảng xếp hạng các trường đại học, cao đẳng hàng đầu. Ảnh: US News |
Dẫu vậy, sinh viên có thể quá tập trung vào bảng xếp hạng thay vì tìm hiểu xem trường nào phù hợp nhất với mình. Có lẽ không có nhiều sự khác biệt về chất lượng giáo dục ở trường đứng ở vị trí thứ 5 so với trường ở vị trí thứ 10. Trong khi đó, ngôi trường xếp thứ 10 thậm chí có thể phù hợp với nhiều sinh viên hơn.
Bảng xếp hạng các trường của US News cung cấp những gì?
US News chia bảng xếp hạng đại học, cao đẳng của mình thành 4 nhóm, dựa trên hệ thống Phân loại cơ bản năm 2018 đưa ra bởi Quỹ Carnegie vì sự tiến bộ giảng dạy với 12 loại trường, bao gồm:
Đại học cấp quốc gia
Đây là những trường đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ cùng với đầy đủ các chuyên ngành đào tạo bậc đại học. Danh mục này bao gồm “các trường đại học nghiên cứu”, nơi tập trung nhiều vào nghiên cứu và thường nhận được các khoản trợ cấp của chính phủ cho các nỗ lực nghiên cứu. Có 392 trường đại học thuộc diện này, bao gồm 179 trường công lập, 176 trường tư nhân và 4 trường vì lợi nhuận.
Cao đẳng nghệ thuật tự do cấp quốc gia
Đây là những trường cao đẳng tập trung vào giáo dục đại học và sở hữu ít nhất một nửa số bằng cấp thuộc các ngành nghệ thuật tự do bao gồm ngôn ngữ và văn học, sinh học và khoa học đời sống, triết học, nghiên cứu văn hóa và tâm lý học. Có 223 trường cao đẳng trong số này: 199 trường tư nhân, 24 trường công lập và phi lợi nhuận.
Đại học khu vực
Các trường cao đẳng này tương tự như các trường đại học quốc gia ở chỗ họ cung cấp đầy đủ các chuyên ngành đại học và chương trình thạc sĩ. Tuy nhiên, họ cung cấp các chương trình tiến sĩ hạn chế với 596 trường, trong đó có 245 trường công lập, 341 trường tư nhân và 10 trường phi lợi nhuận.
Cao đẳng khu vực
Đây là những trường cao đẳng tập trung vào giáo dục đại học nhưng ít chú trọng đến nghệ thuật tự do với 371 trường cao đẳng trong khu vực bao gồm 170 trường công lập, 190 trường tư nhân và 11 trường hoạt động vì lợi nhuận.
Nhiều trường đại học, cao đẳng coi bảng xếp hạng của US News là “thước đo” để phát triển các chương trình đào tạo. Ảnh: Boston Magazine |
Theo đó, US News công bố xếp hạng của 75% trường hàng đầu trong bốn hạng mục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người đang hoài nghi về số liệu giáo dục từ các bảng xếp hạng của mình. Các trường phải đáp ứng các tiêu chí để được xếp hạng.
US News dựa vào đâu để lập bảng xếp hạng?
Dưới đây là tổng quan cơ bản về cách US News thành lập bảng xếp hạng:
40% được quyết định bởi các yếu tố liên quan đến “kết quả”, chẳng hạn như tỷ lệ theo học và tốt nghiệp của sinh viên.
Tỷ lệ theo học và tốt nghiệp của sinh viên là một yếu tố quan trọng trong các bảng xếp hạng nói chung. Ảnh: The Edvocate |
20% dựa trên nguồn lực giảng viên của trường, dựa trên năm yếu tố: quy mô lớp học, lượng giảng viên, giảng viên có bằng cấp cao nhất trong lĩnh vực của họ, tỷ lệ sinh viên-giảng viên và tỷ lệ giảng viên làm việc toàn thời gian.
20% dựa trên ý kiến của chuyên gia, hoặc những học giả hàng đầu (hiệu trưởng, giám đốc, người phụ trách tuyển sinh...).
10% đến từ nguồn lực tài chính. Điều này bao gồm chi tiêu trung bình cho mỗi sinh viên cho việc giảng dạy, dịch vụ sinh viên và các chi phí liên quan (không bao gồm ký túc xá hoặc điền kinh).
7% dựa trên sự xuất sắc của sinh viên, bao gồm điểm kiểm tra tiêu chuẩn, thứ hạng trong lớp và điểm trung bình của sinh viên được nhận vào học.
3% cuối cùng dựa trên sự đóng góp của cựu sinh viên, hoặc số tiền có bằng cử nhân của trường đã tặng trong vài năm qua.
Các trường đại học, cao đẳng hàng đầu nước Mỹ thường thu hút đông đảo sinh viên theo học. Ảnh: CompareRemit |
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hàng trăm trường đại học, cao đẳng “không được xếp hạng” trong bốn hạng mục được liệt kê ở trên vì nhiều lý do, như: Thiếu sự công nhận của khu vực; dưới 200 sinh viên đăng ký, không có tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên cử nhân học trong 6 năm, không có đủ câu trả lời về cuộc khảo sát đánh giá của US News.
Những điều còn băn khoăn trong bảng xếp hạng của US News
Trang blog Prepscholar, nơi cung cấp các khóa học SAT trực tuyến miễn phí, đã chỉ ra một số điểm chưa thỏa đáng trong bảng xếp hạng của US News.
Đầu tiên, US News tập trung vào kết quả cuối khóa hơn là chất lượng cuộc sống của người học. Trên trang web của US News ghi rõ, “Theo thời gian, mô hình xếp hạng đã ít chú trọng hơn vào các thước đo chất lượng đầu vào mà xem xét các đặc điểm của sinh viên, giảng viên và các nguồn lực khác trong quá trình giáo dục và chú trọng hơn vào đầu ra, xem xét kết quả của quá trình giáo dục, chẳng hạn như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và sinh viên năm nhất”.
Một tiết học tại trường cao đẳng Hamilton (New York, Mỹ). Ảnh: Hamilton College |
Bảng xếp hạng của US News nhấn mạnh nhiều đến tỷ lệ duy trì sinh viên theo học và tỷ lệ tốt nghiệp. Cả hai đều là những yếu tố quan trọng cần xem xét khi chọn một trường đại. Bên cạnh đó, các trường được xếp hạng hàng đầu trong US News thường được coi là những trường tốt nhất.
Do đó, tỷ lệ tốt nghiệp rất quan trọng, nói lên chất lượng của một trường đại học. Bảng xếp hạng của US News dựa trên số liệu thống kê và thông tin thu thập được từ các đánh giá của đồng nghiệp về chất lượng của trường. Mặc dù điều này rất hữu ích trong việc xác định mức độ thuận lợi của trường được nhìn từ góc độ học thuật, nhưng nó không phải lúc nào cũng là thước đo tốt nhất, giúp đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất cho sinh viên. Mặc dù việc tập trung vào kết quả có ý nghĩa ở một mức độ nhất định, nó cũng không thể đánh giá đầy đủ chất lượng trải nghiệm của sinh viên.
Thứ hai, US News đề cao quá nhiều uy tín của các trường. Đối với nhiều sinh viên, uy tín vẫn là một yếu tố quan trọng để quyết định có nên theo học tại một trường đại học hay không. Thật khó để cưỡng lại sức hấp dẫn của một trường học sẽ gây ấn tượng với người khác và có khả năng giúp sinh viên có được công việc tốt dựa trên sự công nhận tên tuổi của nó.
Đây là lý do tại sao uy tín được US News đánh giá rất cao trong bảng xếp hạng của mình (dưới hình thức xếp hạng từ các nhóm đồng cấp học thuật và cố vấn hướng dẫn). Tất nhiên, uy tín tương quan với tính chọn lọc trong tuyển sinh và sự tôn trọng từ cộng đồng giáo dục đại học nói chung, vì vậy nó chỉ ra một số thước đo chất lượng học tập. Tuy nhiên, việc đo lường các trường dựa trên uy tín có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc ngay cả khi một số trường không được xếp hạng đặc biệt cao, chúng có thể phù hợp hơn nhiều với mục tiêu của sinh viên.
Thứ ba, trong bảng xếp hạng của US News, các trường dân lập luôn được xếp hạng cao hơn các trường công lập. Điều này có thể gây hiểu lầm về chất lượng của các trường công lập. Lý do là vì mô hình xếp hạng mà US News sử dụng đương nhiên là phù hợp hơn đối với các trường tư thục: Các trường này thường đạt điểm cao hơn dựa trên các thước đo về tính chọn lọc, tỷ lệ duy trì sinh viên và sĩ số lớp học.
Trong khi đó, các trường công lập tập trung hơn vào việc các ứng viên trong tiểu bang đủ điều kiện có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, thực tế các trường công lập có thể mang lại những lợi thế nhất định mà không được phản ánh trong bảng xếp hạng của US News như: Có số lượng sinh viên lớn hơn và đa dạng hơn, nhiều chương trình học và chuyên ngành hơn, hay nhiều hoạt động ngoại khóa hơn.
Thứ tư, bảng xếp hạng của US News không trực tiếp xem xét mức lương của sinh viên tốt nghiệp cũng như khả năng nhận được công việc họ mong muốn sau khi ra trường. Nhiều người đi học đại học với mục tiêu nghề nghiệp nhất định hoặc để kiếm một công việc được trả lương cao sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, bảng xếp hạng của US News có thể không thể giúp sinh viên đưa ra quyết định lựa chọn ngôi trường đại học nào có nhiều khả năng giúp họ đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Thứ năm, một số tiêu chí mà US News sử dụng để đánh giá cho bảng xếp hạng của họ có tính chủ quan cao và đa phần dựa trên các câu trả lời khảo sát. Vấn đề chính với các kết quả khảo sát này là chúng dường như không mang tính đại diện. Ví dụ, Princeton Review xếp hạng các trường cao đẳng trong 62 hạng mục.
Những sinh viên tình nguyện tham gia các cuộc khảo sát có khả năng không phải là đại diện cho toàn bộ sinh viên. Tương tự, bảng xếp hạng của US News xác định chất lượng học tập của một tổ chức giáo dục dựa trên các câu trả lời khảo sát từ các học giả và quản trị viên hàng đầu từ các trường khác và từ các cố vấn giáo dục. Ngoài ra, một số trường như Reed College (bang Oregon, Mỹ) có thể bị ảnh hưởng đến thứ hạng của họ vì họ chọn không gửi thông tin vì không muốn có mặt trong danh sách xếp hạng đại học.
Thứ sáu, bảng xếp hạng của US News cũng có nhiều tác động tới các trường đại học, cao đẳng. Các trường này hiểu rằng những bảng xếp hạng như vậy là phổ biến và có tầm ảnh hưởng. Vì vậy, họ sẽ tập trung đầu tư cho những yếu tố được đề cao trong bảng xếp hạng hoặc mạnh tay tuyển dụng những sinh viên có ít cơ hội trúng tuyển chỉ để nâng mức độ chọn lọc nhằm tăng thứ hạng của mình thay vì “lấy sinh viên làm trung tâm”.
Cuối cùng, và có lẽ đáng lo ngại nhất, một số trường thậm chí còn gian lận để cải thiện thứ hạng của họ. Đơn cử, các trường đưa ra con số không sát với thực tế để có được thứ hạng tốt hơn trong bảng xếp hạng.
Ý kiến trái chiều
Trong một bài viết có nhan đề “How U.S. News college rankings promote economic inequality on campus” (tạm dịch: Cách xếp hạng các trường của US News thúc đẩy bất bình đẳng về kinh tế trong học đường), tờ Politico đối chiếu với thực tế là một báo cáo gần đây từ Dự án Bình đẳng về cơ hội (The Equality of Opportunity Project), nay đổi tên thành Tổ chức phi lợi nhuận Oppotunity Insights, đặt trụ sở tại Đại học Harvard cho thấy rằng nhiều trường đại học, cao đẳng hàng đầu của quốc gia nhận nhiều sinh viên từ 1% những người có thu nhập cao nhất so với 60% dưới cùng, trong đó nhiều trường đứng đầu danh sách của US News.
Một tiết học tại trường cao đẳng Hamilton (New York, Mỹ). Ảnh: Hamilton College |
Bài báo của Politico lập luận rằng, nhiều thước đo chất lượng giáo dục của US News thực sự là “thước đo của sự giàu có”, giữa bản thân các cơ sở giáo dục và các sinh viên. Theo đó, một số tiêu chí được US News sử dụng có thể khiến các trường áp dụng chúng để đưa ra những chính sách tuyển sinh gây bất lợi cho các sinh viên vốn đã thiệt thòi về mặt kinh tế-xã hội.
Ví dụ, Đại học Southern Methodist ở TP. Dallas (bang Texas, Mỹ) đã thực hiện một đợt gây quỹ trị giá hàng tỷ USD dành cho nhiều lĩnh vực được US News xếp hạng, bao gồm chi tiêu nhiều hơn cho giảng viên và tuyển dụng sinh viên có điểm thi kiểm tra năng lực SAT cao hơn, qua đó “nhảy vọt” 11 bậc từ năm 2008 trong bảng xếp hạng của US News. Trong khi đó, Đại học Georgia (bang Georgia, Mỹ) - một hình mẫu quốc gia về việc đào tạo nhiều sinh viên đến từ các gia đình thu nhập thấp và trung bình - thì lại giảm tới 30 bậc trong bảng xếp hạng của US News.
Cũng trong bài báo này, ông F. King Alexander, Chủ tịch Hệ thống Đại học bang Louisiana (Mỹ), nói rằng chìa khóa để cải thiện thứ hạng của một tổ chức giáo dục trong danh sách của US News là tăng lương giảng viên và ngân sách chi tiêu cho mỗi sinh viên cao hơn. Điều này làm tăng học phí, đồng thời có thể không khuyến khích các sinh viên có thu nhập thấp nộp đơn xin vào trường. “Cách dễ nhất để tìm kiếm nguồn lực cho mục tiêu đó là thu nhận càng nhiều sinh viên giàu có càng tốt”, bài báo dẫn lời của bà Carol Christ, Hiệu trưởng Trường Đại học California, Berkeley (Mỹ).
Đồng quan điểm trên, trong một bài viết trên Inside Higher Ed, một trang tin tức hằng ngày miễn phí dành cho những người quan tâm đến giáo dục đại học ở Mỹ, tiến sĩ Jim Jump, cựu Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tuyển sinh đại học quốc gia Mỹ (NACAC) cho rằng, US News đã nỗ lực thu thập nhiều thông tin có giá trị để tập hợp vào trong bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, ông khuyến nghị US News cần trình bày từng danh mục như sự ủng hộ của cựu sinh viên, quy mô lớp học trung bình, chi tiêu trên mỗi sinh viên... thành các dữ liệu riêng biệt đồng thời giải thích cụ thể chúng hơn nữa trong đánh giá một trường bất kỳ. Ông Jim Jump cũng chỉ ra rằng bảng xếp hạng của US News giả định giá trị của trường đại học bao gồm thương hiệu trên bằng tốt nghiệp cần được xếp cao hơn là kinh nghiệm trong quá trình học. Đó là bởi vì bảng xếp hạng không và không thể đo lường chất lượng của thực tế trải nghiệm giáo dục mà một sinh viên có được.