![]() |
Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Báo Thương mại (nay là Báo Công Thương) có sức hấp dẫn khá mạnh các cộng tác viên là văn nghệ sỹ, nhà báo, luật gia, chuyên gia kinh tế... Có nhiều cái tên trong làng văn, làng báo gắn bó mật thiết với tờ báo thật khó quên, như: Hòa Vang, Hoàng Hữu Các, Chu Lai, Nguyễn Hiếu, Bùi Hoàng Tám, Nguyễn Chấn, Phan Lê, Nguyễn Đại Lai... Vui buồn có nhau, gặp nhau “như bắt được”, khi chén trà thơm nóng, lúc cốc bia hơi nhạt, chuyện đời, chuyện nghề, chuyện nhân tình thế thái... mãi không dứt.
Song, có lẽ người gắn bó lâu dài nhất, thân thiết nhất, viết nhiều bài báo nhất lại là luật gia Vũ Xuân Tiền - một nhà phân tích, bình luận kinh tế sắc sảo. Không phải tự nhiên ông từng hùng hồn một cách đáng mến rằng, Báo Thương mại đã khai phá trong ông tiềm năng báo chí mà chính ông cũng không ngờ tới, để ông trở thành nhà báo, có nhiều bài báo chinh phục được cả những độc giả là kinh tế gia khả kính.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nhớ lại lần đầu gặp nhau “như bắt được” ấy, đã gần hai chục năm trôi qua rồi. Theo sự “môi giới” của nhà báo Hoàng Linh, trong một cuộc trao đổi, tư vấn về luật pháp cho một bài phóng sự điều tra, biên tập viên Báo Thế giới thương mại (một ấn phẩm của Báo Thương mại) - gợi ý, là một luật gia, một chuyên gia kinh tế, tư duy sắc sảo, có nhiều ý tưởng rất hay, rất “độc”, nếu không viết báo hẳn “phí của giời”, há chẳng tiếc lắm sao? Ông trầm ngâm một lúc rồi gật đầu nhận lời viết theo đề tài “đặt hàng”.
Thế rồi, rất nhanh, rất đều đặn, những bài báo mang tên tác giả Vũ Xuân Tiền liên tục xuất hiện trên Báo Thế giới thương mại, khi một bài, lúc hai bài đăng trên một số báo, khi chỉ vài trăm chữ, lúc hàng ngàn chữ, hầu hết là những vấn đề quản lý kinh tế, pháp luật trong kinh doanh, văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, trên thương trường, đời sống doanh nhân..., từ chuyện nhỏ như xây cầu vượt thấp trên đường cao tốc đến những chuyện hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, thực thi pháp luật trong đời sống kinh doanh... Cũng lạ, cái khối tròn tròn, nhăn nhăn dưới vầng trán hói cao rộng của con người nhỏ bé, gầy guộc ấy lại “phát nổ” biết bao vấn đề “nóng” của nền kinh tế đất nước, tạo nên một con người có trái tim cùng cái đầu luôn “nóng” với các vấn đề kinh tế mang tầm quốc gia?
Sau Thế giới thương mại, đến Thương mại rồi Công Thương, từ báo tuần đến báo Tết, Vũ Xuân Tiền viết rất nhiều bài báo phân tích, bình luận kinh tế, pháp luật được độc giả rất quan tâm. Ông viết và viết, không quan tâm đến nhuận bút mỗi bài báo bao nhiêu, chỉ cần bài được đăng, có phản hồi tích cực của độc giả là vui lắm rồi.
Có một điều rất đáng yêu ở con người đầy nhiệt huyết với báo chí, đó là tiền nhuận bút đều được ông cùng bạn bè mang đi “hóa vàng”- câu nói vui thường ngày của Vũ Xuân Tiền - nghĩa là đủ để cùng dăm người bạn nhà báo đi... uống bia hơi, sang lắm thì cũng chỉ thêm chai rượu voka Hà Nội, giản dị thế thôi.
Còn một điều đáng mến nữa, nhiều khi bí đề tài, nghĩ mãi không ra, Vũ Xuân Tiền lại “alô... vài chén nhé” cho biên tập viên Báo Công Thương. Cuộc gặp gỡ cũng đơn giản thôi, nhưng chỉ sau vài chén rượu nhạt, cái trán hói bắt đầu hồng hồng, Vũ Xuân Tiền “hoạt” hẳn lên, không hiểu đề tài từ đâu tuôn ra nhiều thế, lắm khi nhiều đến nỗi phải điều tiết viết cái gì trước, cái gì sau. Và, vui nhất là mỗi chiều thứ bảy hay chủ nhật, ông hồ hởi thông báo qua điện thoại “có ba bài rồi nhé, xài thoải mái” hoặc qua email “đã gửi hai bài, xem xong thấy dùng được hay không thông báo lại ngay”...
Có lần chuyện trà dư, tửu hậu, Vũ Xuân Tiền nói vui mà thật: “Mỗi năm tôi viết cho Báo Công Thương không dưới một trăm bài báo, cũng kiếm kha khá nhuận bút để... hóa vàng, vui cùng bạn bè”. Thật khó tính đủ, chính xác số lượng các bài báo mang tên Vũ Xuân Tiền, từ bài đầu tiên đăng trên Thế giới thương mại xưa đến Công Thương ngày nay, nhẩm tính có lẽ cũng phải tới con số trăm bài lớn, nhỏ - nhiều nhất trong số các cộng tác viên thân thiết.
Và, từ những bài báo có tiếng vang trên Báo Thương mại, cái tên luật gia Vũ Xuân Tiền được nhiều tờ báo đưa vào tầm ngắm. Ông là cộng tác viên của Thời báo kinh tế Sài Gòn, Diễn đàn doanh nghiệp, Đầu tư, Pháp luật Việt Nam... Còn nhớ mãi một lần mượn hơi rượu say, ông khóc mà nói với mấy người bạn nhà báo rằng, “nhờ Thương mại mà tôi biết viết báo, trở thành nhà báo nghiệp dư nổi tiếng”, người nghe nước mắt cũng chảy... vào trong tim, xúc động vô cùng!
Ngẫm lại quãng thời gian khá dài gắn bó thân thiết với Báo Công Thương mới thấy Vũ Xuân Tiền là người có tấm lòng thật sự với tờ báo, qua những bài báo đầy trăn trở, suy tư, ông là người rất tâm huyết với các vấn đề phát triển kinh tế đất nước, với những thăng trầm, được mất trong đời sống của doanh nhân, doanh nghiệp. Ông cũng luôn mở lòng đón nhận tình cảm của những người làm Báo Công Thương, coi nhau như anh em thân thiết, chia sẻ vui buồn trong nghiệp báo, trong cuộc sống thường nhật. Thật quý trọng và khâm phục!
Những người làm Báo Công Thương mỗi lần nghe câu hát “sống ở trên đời cần có một tấm lòng” trong ca khúc “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lại là một lần nhớ đến nhà báo - luật gia Vũ Xuân Tiền. Ông đã theo gió về miền sương khói ngày 23/6/2015 (tức ngày 8 tháng 5 năm Ất Mùi), trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Chắc hẳn ở nơi xa thẳm đó, những ngày này, Vũ Xuân Tiền cùng các nhà báo đàn anh đi trước vẫn trở trăn, đau đáu về các vấn đề hệ trọng của đất nước?
Thật khó tính đủ, chính xác số lượng các bài báo mang tên Vũ Xuân Tiền, từ bài đầu tiên đăng trên Thế giới thương mại xưa đến Công Thương ngày nay, nhẩm tính có lẽ cũng phải tới con số trăm bài lớn, nhỏ, nhiều nhất trong số các cộng tác viên thân thiết. |