Nhịp sống mới ở xã vùng cao Tân Liên
Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Văn Đàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Liên - cho biết: Xã Tân Liên gồm 7 thôn, có 4.214 nhân khẩu với 947 hộ, chủ yếu là 2 dân tộc: Tày (chiếm 54,6%) và Nùng (chiếm 45,4%). Trước đây, Tân Liên là xã vùng 3, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (năm 2015), Tân Liên có tới 10 tiêu chí chưa đạt. Khó khăn lớn nhất của xã là việc huy động nguồn lực, bởi điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn và chưa hiểu hết nội dung, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chính vì vậy công tác tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. “Thực hiện chủ trương này, các cán bộ, đảng viên của xã, thôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền. Qua tuyên truyền, vận động, đồng bào dân tộc xã Tân Liên đều đồng tình ủng hộ và hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, thể hiện qua các công việc cụ thể như đóng góp kinh phí làm đường, tham gia lao động làm đường bê tông nông thôn, làm nhà văn hóa thôn, vệ sinh môi trường xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa…” - ông Đàn cho hay.
Nhờ đó, cuối năm 2020, xã Tân Liên đã đón niềm vui lớn khi về đích nông thôn mới, với 19/19 tiêu chí hoàn thành. Niềm vui không chỉ là tấm bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới mà ý nghĩa hơn là những đổi thay về diện mạo của xã, những tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của người dân nơi đây. Những con đường bê tông trải dài khắp thôn xóm, công trình điện, nhà văn hóa, lớp học khang trang và hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Nhằm thay đổi nhận thức và cách làm nông nghiệp của nông dân, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, xã đã tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tuyên truyền, vận động người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cũng như tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Nhờ đó, giá trị thu nhập trên diện tích canh tác của người dân bình quân đạt 50 triệu đồng/ha/năm (trước thời điểm xây dựng nông thôn mới đạt 30 triệu đồng/ha/năm).
Năm 2020, giá trị sản xuất về trồng trọt của xã đạt 27.232 triệu đồng; giá trị chăn nuôi đạt 36.399 triệu đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt: 7.385 triệu đồng; giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 3.098 triệu đồng… “Trước năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 9,3%, nhưng nay chỉ còn 5,86%, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm, trên 80% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa” - ông Đàn phấn khởi nói.
Giữ vững các tiêu chí nông thôn mới
Theo ông Đặng Văn Đàn: Trong năm 2021, xã Tân Liên tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân; nâng cao hiệu quả công tác đối thoại nhân dân củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021: Sản lượng lương thực có hạt phấn đấu đạt trên 1.500 tấn; thu nhập dân cư bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng; trồng rừng mới từ 0,6ha trở lên; tỷ lệ che phủ rừng: 48,63%; giữ vững các tiêu chí nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo: 40,68%; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Để đạt mục tiêu, xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật; tập trung chỉ đạo về cung ứng các loại giống cây trồng đảm bảo phục vụ đầy đủ và kịp thời mùa vụ, đặc biệt chú trọng việc lựa chọn giống mới đảm bảo chất lượng cao; tuyên truyền vận động nhân dân chuyên canh các loại cây trồng phù hợp với từng vùng và có hiệu quả kinh tế cao, để hình thành vùng chuyên canh, sản xuất thành hàng hoá. Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thêm số lượng nuôi; tổ chức tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hệ thống mương, máng đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; đầu tư làm mới và nâng cấp các đoạn đường liên thôn, liên xã đạt theo chuẩn nông thôn mới; tăng cường cơ sở vật chất, duy trì sĩ số học sinh, chỉ đạo nhà trường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể làm tốt công tác phổ cập giáo dục để duy trì phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc kịp thời theo quy định. Tăng cường công tác phòng ngừa dịch bệnh, tích cực kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, xây dựng đời sống văn hoá ở thôn, bản, gia đình văn hoá; huy động và sử dụng tốt các nguồn hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, giới thiệu và tạo điều kiện cho các cá nhân và hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất nâng cao mức sống của nhân dân; kết hợp việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh…