Chủ nhật 22/12/2024 22:10

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), trong 2 ngày 3-4/5, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo luật này tại Hà Nội.

Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, bộ ngành có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN & MT) của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Ủy ban Quản lý nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện các Sở Công Thương thuộc các tỉnh phía Bắc; đại diện một số hiệp hội: VCCI, Hội Điện lực, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam; đại diện doanh nghiệp là chủ đầu tư và các đơn vị điện lực: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản; đại diện khách hàng sử dụng điện có quy mô lớn và nhiều cơ quan báo chí.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), trong 2 ngày 3-4/5, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo luật này tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hiến

Sáng 4/5, hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp tục diễn ra với các chuyên đề: Chính sách về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; Xây dựng chính sách về giấy phép hoạt động điện lực; Mua bán điện nước ngoài, ngừng giảm cung cấp điện và vận hành hệ thống điện; Xây dựng chính sách về giá điện và hợp đồng mua bán điện; Thị trường điện cạnh tranh.

Đối với từng chuyên đề, Ban soạn thảo đã trình bày chi tiết từng nội dung cụ thể trong dự thảo để các đại biểu đóng góp ý kiến. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham gia đóng góp nhiều ý kiến, cũng như hỏi và xây dựng các điểm được nêu trong dự luật của dự thảo.

Với chương VII “Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện” được quy định chi tiết từ Điều 73 đến Điều 105. Theo ông Đào Minh Hải, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đứng từ góc độ người sử dụng điện ông đề xuất thêm một số quy định liên quan đến an toàn điện trong dự thảo Luật. Cụ thể, cần thay thế, làm rõ hơn những từ, cụm từ khó, không xác định được liên quan đến vấn đề này như: “có khả năng”, “có nguy cơ”, “có khả năng xâm nhập”… Những từ, cụm từ này được nêu nhiều nhất ở trong các Điều 76, 77, 78 trong dự thảo. Cần sửa đổi, thay thế bằng những từ, cụm từ nêu rõ hành vi vi phạm, các nguy cơ có thể xảy ra...

Ông Đào Minh Hải, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị dự thảo về bảo vệ công trình điện và an toàn điện nên có các quy định mô tả chi tiết, giải thích rõ hơn, xác định rõ các hành vi và đối tượng cụ thể. Ảnh: Việt Hiến

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, về an toàn điện, đây là nội dung cần thiết. Trong Điều 86 tại dự thảo, về xử lý‎ sự cố điện, đây là vấn đề người sử dụng điện rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Nội dung này được nêu rõ hơn tại Điều 89, nhưng vẫn chung chung, thì theo quy định nào, ở đâu vì nếu xảy ra sự cố thì chúng ta cần những điều cụ thể, chi tiết, báo cho ai, ai là người chịu trách nhiệm, xử lý‎ thế nào… Do vậy, trong vấn đề an toàn điện, xử lý‎ sự cố điện nên bổ sung thêm nội dung ‘Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể quy định về xử lý‎ sự cố điện’”, ông Đào Minh Hải nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến đóng góp thêm vào dự thảo: Cần bổ sung vào dự thảo một số thuật ngữ về giá, bởi vì trong mục giải thích thuật ngữ chỉ có giá bán và giá mua. Tuy nhiên, còn có giá phát điện, giá phát điện bình quân, giá phân phối, giá hợp đồng mua bán điện, giá dịch vụ phụ trợ, giá điều độ vận hành, giá điều hành giao dịch thị trường, giá tạm thời, giá chính thức, giá cố định, giá biến đổi… nên có sự thống nhất giữa các thuật ngữ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thường Lạng cho rằng, tại Điều 60 quy định giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nhưng thuật ngữ này “không hợp lý” với quy định của luật đầu tư. Luật đầu tư quy định có 2 vùng: Một là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hai là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, Điều 60 có phần lạc hậu hơn so với luật đầu tư, nên cần thay đổi bằng thuật ngữ giá bán điện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, để thống nhất với các loại vùng của luật đầu tư.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế góp ý về Điều 60, sửa các thuật ngữ để thống nhất về phân loại vùng theo như các luật hiện hành. Ảnh: Việt Hiến

Cũng theo ông Nguyễn Thường Lạng, nên có một điều khoản trong đó quy định Chính phủ có trách nhiệm duy trì ổn định giá bán điện.

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu. Đồng thời cho biết: Luật Điện lực hiện hành quy định “Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực” (điểm a khoản 1 Điều 31). Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Điện lực, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành do Thủ tướng Chính phủ ban hành (tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 và sẽ được thay thế bởi Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg kể từ ngày 15/5/2024) có phân cấp thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ tùy thuộc vào mức độ điều chỉnh giá bán lẻ điện, đã tạo hành lang pháp lý cho việc tính toán và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước để đảm bảo kinh tế vĩ mô.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thế Hữu phát biểu: Sau 2 ngày làm việc hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã có nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực. Ban soạn thảo sẽ tập hợp góp ý của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản cho Ban soạn thảo.

Qua 2 ngày làm việc, các góp ý của đại biểu đều nhất trí với những chính sách lớn của Nhà nước và cũng có rất nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung hoặc điều chỉnh thay thế các chi tiết tại các điều luật. Với các ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện để bổ sung vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Luật Điện lực (sửa đổi)

Tin cùng chuyên mục

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

Chung tay tìm giải pháp đẩy nhanh các dự án điện khí LNG

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

Tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân đạt Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

Bộ Công Thương xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí

Tăng cường cấp điện cho Hà Nội qua dự án truyền tải điện hơn 1.600 tỷ đồng

Công ty Điện lực Cao Bằng: Lan tỏa nghĩa tình ngành điện

Lào Cai: Điện lực Bắc Hà 'Thắp sáng làng quê', tri ân khách hàng

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thực hành sử dụng năng lượng bền vững

Nhiều dự án điện khí LNG có nguy cơ lỗi hẹn tiến độ

Vietsovpetro vượt đà suy giảm, hoàn thành chỉ tiêu sớm 20 ngày

Danh sách các tác phẩm đoạt giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2024

Báo Công Thương đoạt giải B báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2024

Longform | Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sử dụng dịp cuối năm

EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào

Tuyên Quang: Hoàn thành các công trình điện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Năng lượng sinh khối - động lực xanh cho tương lai nông thôn Việt Nam

Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất

Nhà máy xử lý rác thải '4 không’ đầu tiên tại Việt Nam được khánh thành