Thứ tư 27/11/2024 16:54

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Chiều 23/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Luật Hóa chất được ban hành từ năm 2007, là một bước tiến lớn trong công tác quản lý nhà nước về hóa chất tại Việt Nam. Đến nay, ngành công nghiệp hóa chất đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hóa chất, Luật Hóa chất hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp những thách thức mới về an toàn, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế. Chính vì thế, việc rà soát và điều chỉnh luật là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hóa chất.

Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 24 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Ảnh: QH

Bổ sung cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường

Tham gia góp ý, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết: Qua nghiên cứu điều 19 và 20 của dự thảo luật tôi thấy rằng một số nội dung quy định đối với việc tồn trữ hóa chất vẫn chưa rõ. Những quy định liên quan đến việc vận chuyển hóa chất, trong đó có các hóa chất nguy hiểm có chất rắn vẫn có nội dung còn chung chung, chưa đảm bảo chặt chẽ và an toàn trong quá trình vận chuyển. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo:

Một là, cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn, nhất là liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất trên cơ sở làm rõ giấy chứng nhận được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất hay là chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ hóa chất. Ngoài ra cũng cần kiểm soát đặc biệt với hóa chất có điều kiện.

Hai là, bổ sung đầy đủ quy định về điều kiện được vận chuyển hóa chất, các giấy phép vận chuyển hóa chất, trách nhiệm khi xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, nhất là trong quá trình vận chuyển bằng phương tiện tàu thuyền trên sông, trên biển.

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, vấn đề hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa tại chương 5, hiện tại Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm, hàng hóa chỉ quy định sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật sẽ được quản lý theo hình thức tiền kiểm. Tuy nhiên, đối với trường hợp hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì chưa được xác định sẽ quản lý theo hình thức nào. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu các quy định rõ về hình thức quản lý, tiền kiểm hay hậu kiểm. Bên cạnh đó, cần xác định cụ thể nội dung quản lý, chức năng quản lý của các bộ như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với việc quản lý các hóa nhất trong sản phẩm.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: QH

Cần đánh giá tính khả thi của việc quản lý nói chung, đồng thời cân nhắc tính khả thi của việc quy định giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm để có biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Đồng thời, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho hay, vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn cho cộng đồng, phần lớn các điều trong chương 7 ở dự thảo luật hiện hành quy định các nội dung liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa có quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng như nội hàm của tên chương này đã xác định.

Do đó, đề nghị ban chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm sâu sắc và đầy đủ hơn những quy định liên quan đến vấn đề này, cụ thể: Tiếp tục rà soát, thể chế hóa nội dung xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước trong Kết luận 36 của Bộ Chính trị; cụ thể hóa nội dung, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng công bằng trong Kết luận 81 của Bộ Chính trị. Qua đó, nhằm tăng cường quản lý tài nguyên môi trường, chuyển đổi số sử dụng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và sử dụng hóa chất; tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, bảo vệ quyền con người, cũng như bổ sung quy định về chính sách theo hướng thúc đẩy mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế.

Đồng thời, rà soát, bổ sung các nội dung quy định tại các luật có liên quan như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường và cả các đề án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này để có quy định tại dự án Luật Hóa chất sửa đổi, nhất là liên quan đến vấn đề bảo về môi trường và an toàn cho cộng đồng cần đầy đủ và chặt chẽ hơn”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương lưu ý.

Đảm bảo tính toàn diện của luật

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hóa chất, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thứ nhất, chương 1, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luận quy định rõ phạm vi điều chỉnh liên quan đến hóa chất. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung cụ thể hơn về phạm vi quản lý đối với hoạt động được nghiên cứu và sản xuất hóa chất mới, đặc biệt là những hóa chất tiềm ẩn nguy cơ cao với môi trường và sức khỏe của con người. Việc này sẽ đảm bảo tính toàn diện của luật, đồng thời tăng cường kiểm soát rủi ro ngay từ giai đoạn phát triển ban đầu hóa chất mới.

Thứ hai, Điều 9, chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã đưa ra yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, tại điểm d, khoản 1, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung làm rõ cách thức huy động và sử dụng nguồn lực của địa phương để triển khai chiến lược hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều địa phương còn hạn chế về ngân sách và năng lực thực hiện nhằm đảm bảo sự đồng bộ cũng như khả thi trong phát triển công nghiệp hóa chất trên toàn quốc.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: QH

Thứ ba, Điều 1, dự án hóa chất quy định tại điểm d, khoản 2 về áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ là rất phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung thêm yêu cầu đánh giá tác động môi trường và xã hội đối với các dự án sử dụng hóa chất xanh nhằm đảm bảo nguyên tắc này được áp dụng một cách thực chất.

Thứ tư, Điều 9, vận chuyển hóa chất, dự thảo hiện quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm, trách nhiệm, hậu quả khắc phục sự cố, không xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Điều này sẽ giúp rõ ràng trách nhiệm pháp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và tăng cường an toàn trong vận chuyển hóa chất.

Thứ năm, Điều 45, đăng ký hóa chất mới, khoản 3 của điều này quy định các yêu cầu đăng ký hóa chất mới phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế cấp phép nhanh đối với hóa chất sử dụng trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống thiên tai và dịch bệnh. Quy định này sẽ đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp thiết.

Thứ sáu, Điều 50, phiếu an toàn hóa chất, quy định về phiếu an toàn hóa chất đã được xây dựng khá chi tiết, nhưng cần bổ sung thêm nhu cầu cập nhật phiếu này trong một thời hạn cụ thể khi phát hiện ra các đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất. Việc này sẽ đảm bảo rằng thông tin an toàn luôn được cập nhật kịp thời, từ đó giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và môi trường.

Thứ bày, Điều 56, quy định chung về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa và điều này đã đưa ra các yêu cầu về kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, đề nghị cần xem xét bổ sung các chế tài xử phạt mạnh hơn đối với các thành viên không tuân thủ. Chẳng hạn như không công bố hoặc công bố sai lệch thông tin về hóa chất nguy hiểm. Điều này sẽ tăng tính răn đe, đảm bảo tuân thủ quy định về minh bạch thông tin và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ 8, Điều 18, khai báo hóa chất nhập khẩu, tại khoản 5 quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong khai báo hóa chất nhập khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật cần bổ sung thêm các chế tài xử lý đối với hành vi cố tình khai báo sai lệch thông tin, đặc biệt là đối với hóa chất nguy hiểm. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính răn đe mà còn nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động khai báo.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75%

Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

Doanh nghiệp Việt Nam, Đan Mạch cùng tạo nên những thương hiệu quốc tế chung

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình họp với 3 bộ, 8 địa phương về cải cách thủ tục hành chính

Khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến: Thiết lập chế tài mạnh

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev gặp gỡ bạn bè Việt Nam từng học tập, làm việc tại Bulgaria