Phát triển kinh tế - xã hội: Nửa nhiệm kỳ nhìn lại! Công khai kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội |
15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát năm 2024 tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 bao gồm 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường |
Các chỉ tiêu cụ thể, bao gồm 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt 28 - 28,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP.
Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền; nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước...
Cơ sở để Chính phủ đưa ra chỉ tiêu dự kiến về tăng trưởng của năm 2024, đó là tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Động lực về đầu tư, bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Nhiều mục tiêu “tham vọng” khó đạt được
Mục tiêu “tham vọng” khác cũng được Thủ tướng báo cáo với Quốc hội, đó là hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. Đây là những điểm nghẽn được nêu tại nhiều kỳ họp của Quốc hội.
Theo các chuyên gia, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém không phải giờ mới nhắc tới mà đã kéo dài qua nhiều năm. Nhưng đến tháng 8/2023, việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao. Còn 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.
Bên cạnh đó, “Dự toán tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 2.100.300 tỷ đồng, tăng 24.100 tỷ đồng, tăng 1,2% so với dự toán năm 2022. Dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023,(không kể phần kinh phí bố trí cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023) chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách nhà nước cũng được coi là mức cao so với một số năm qua.
Ngoài ra, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 giải ngân rất thấp, tạo áp lực lớn cho bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện giải ngân vốn. Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương hết sức khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả trong 2 năm còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa đảm bảo, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thuộc ngân sách Trung ương dự kiến hụt thu lớn.
Giải pháp cho vấn đề
Để đạt được mục tiêu này, nhiều đại biểu cho rằng cần nhận diện đúng các vấn đề của nền kinh tế năm 2023 cũng như kết quả phát triển kinh tế - xã hội nửa nhiệm kỳ qua, từ đó tính toán các giải pháp, thiết kế chính sách phù hợp cho năm 2024 và nửa nhiệm kỳ còn lại.
Cần nhận diện đúng các vấn đề của nền kinh tế năm 2023 |
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - cho biết, dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Vì vậy, công tác đánh giá, dự báo tình hình, xu hướng phát triển vô cùng quan trọng để có thể hoạch định chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.
Đồng tình với nhiều giải pháp được nêu tại Báo cáo của Chính phủ, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị cần tiếp tục duy trì nỗ lực, quyết liệt hơn trong những năm tiếp theo và những tháng còn lại của cuối năm. Theo đó, cần khơi thông mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội mà chúng ta đã và đang có để tiếp tục phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng kiến nghị, cần tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc một số điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ các dự án còn dang dở.
Đặc biệt quan tâm và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế. Theo đó, cần sớm trình rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động…
Tình hình thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, chúng ta có những thuận lợi cơ bản nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.