Nhiều giải pháp chuyển đổi, quản lý năng lượng xanh cho doanh nghiệp
Sáng 6/5, tại Hội thảo giải pháp chuyển đổi và quản lý hiệu quả năng lượng xanh cho doanh nghiệp, cập nhật các mô hình và quy định mới về điện mặt trời và kiểm kê khí nhà kính năm 2025, ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Luật Điện lực đã được Quốc hội thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và những định hướng mới của đất nước.
Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Luật Điện lực được xây dựng phù hợp xu thế quốc tế trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp... với nhiều mục tiêu quan trọng, đặc biệt là mục tiêu đạt trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050 đảm bảo thực hiện cam kết Net Zero, cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng, Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
"Một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng là ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, triển khai thực hiện sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, hướng tới phát triển năng lượng bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái", ông Nhật nhận định.
Trên cơ sở Luật Điện lực, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các Nghị định hướng dẫn triển khai thực hiện Luật, trong đó một trong những nội dung quan trọng là cơ chế mua bán điện trực tiếp và phát triển năng lượng tái tạo đặc biệt là điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Do đó, Hội nghị nhằm triển khai thực hiện những quy định của Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và hướng dẫn thực hiện các quy định về thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Bách Khoa trình bày về các cấu hình hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, các mô hình đầu tư hiện nay. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Điện lực và Nghị định số 57/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 về Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 quy định chỉ tiết về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đến các doanh nghiệp.
Triển khai các chính sách và ưu đãi tài chính dành cho doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch. Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý năng lượng, tổng quan về mô hình giảm phát thải khí nhà kính, cách tính độ không chắc chắn trong kiểm kê khí nhà kính. Giúp doanh nghiệp nắm bắt chính sách mới về tuân thủ quy định và tối ưu hóa chi phí năng lượng: Tiếp cận các giải pháp thực tiễn giúp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và giảm phát thải.
Triển khai lộ trình mua bán tín chỉ carbon và ứng dụng chuyển đổi số trong tiết kiệm năng lượng; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nghiệp đã triển khai thành công. Hướng dẫn các giải pháp tối ưu hóa chi phí năng lượng, mô hình điện mặt trời kết hợp lưu trữ, chính sách ưu đãi tài chính.
Tại hội thảo, các bên đã cùng bàn luận nhiều vấn đề đa dạng xoay quanh giải pháp chuyển đổi xanh phù hợp cho doanh nghiệp. Trong đó, chủ đề mô hình điện mặt trời kết hợp lưu trữ, giải pháp giám sát, quản lý năng lượng, và kiểm kê khí nhà kính nhận được nhiều sự quan tâm.
Hội thảo do Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Bách Khoa; Công ty CP Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa và VinFast Energy tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham dự của khoảng 300 đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp năng lượng, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp sản xuất, các nhà máy, khu công nghiệp, resort, trung tâm logistics và các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |