Nhiều cơ hội thu hút đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn
Giới thiệu các sản phẩm chip của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) |
Điển hình từ năm 2013 Samsung dời nhà máy lắp ráp điện thoại từ Trung Quốc đến Việt Nam để bảo toàn lợi nhuận. Hiện khoảng 50% điện thoại của công ty được sản xuất tại Việt Nam. Năm 2015, Intel quyết định dời cơ sở sản xuất chế biến bo mạch chủ và bộ vi xử lí từ Kulim (Malaysia) đến TP. Hồ Chí Minh...
Cũng theo báo cáo mới của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghệ TechNavio, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hơn 15% cho đến năm 2020. Có ba động lực chính thúc đẩy thị trường bán dẫn tại Việt Nam đó là chi phí lao động thấp hơn so với các quốc gia khác, sự tăng trưởng trên thị trường trung tâm dữ liệu, và sự gia tăng xây dựng công trình nhà ở.
Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp vi mạch, thời gian qua Chính phủ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm và ưu tiên phát triển lĩnh vực này, cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Trong tất cả các lĩnh vực thì lĩnh vực vi mạch bán dẫn được ưu tiên hàng đầu với các mục tiêu chung nhằm xây dựng quy trình khép kín, đồng bộ với các khâu đào tạo, thiết kế, chế tạo chip, chế tạo và sản xuất ứng dụng, kinh doanh và quảng bá sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển của đất nước.
Theo GS.TS Đặng Lương Mô - cố vấn Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện nay ngành vi mạch đang được ưu đãi và có cơ chế thông thoáng nhằm thu hút sự đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp còn khá non trẻ này tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Về phía ĐH Quốc gia TP.HCM, với vị thế là một trong hai trường ĐH lớn của cả nước đã thành lập ICDREC với mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu về thiết kế và sản xuất vi mạch tại Việt Nam. Đến nay sau hơn 10 năm thành lập, ICDREC đã thiết kế chip Sigma K3, chip VN8- 01, chip VN 16- 32, chip HF- RFID, chip sinh học… các chip này đã ứng dụng trên các sản phẩm như đồng hồ điện tử, khóa container, hộp đen xe hơi và xe máy…
Hiện nay, ICDREC đang nghiên cứu áp dụng công nghệ SOTB (Sillicon On Thin Buried OXide). Theo đó, các con chip thế hệ sau sẽ được sản xuất theo quy trình 65 nanomet, giúp tiêu thụ điện năng chỉ còn 1/3 so với hiện nay.
Bên cạnh đó, các chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM với các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian qua cũng đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể thời gian qua ICDREC, CNS đã ký kết hợp tác với Công ty Shoei về triển khai ứng dụng thẻ, đầu đọc RFID; ký kết hợp đồng khảo sát, tư vấn thị trường sản phẩm ứng dụng không dây với hai đối tác CM Engineering Vietnam và Mitsubishi... góp phần tích cực trong việc thương mại hóa các sản phẩm chip của Việt Nam.