CôngThương - Trước khi thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 84) đã có Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định 55).
Nghị định 55 bước đầu tạo khung pháp lý mới cho hoạt động kinh doanh xăng dầu và đưa ra lộ trình chuyển đổi cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu từ bao cấp sang cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, do một số điều của Nghị định 55 không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 84.
Nghị định 84 có hiệu lực từ ngày 15/12/2009 thay thế Nghị định 55 với mục đích quán triệt và cụ thể hóa quan điểm kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
3 tư tưởng mới của Nghị định 84
Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, Nghị định 84 có 3 tư tưởng mới so với Nghị định 55 trước đây:
Thứ nhất,tạo điều kiện hình thành môi trường kinh doanh cạnh tranh thông qua việc mở rộng đối tượng là doanh nghiệp các thành phần được tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu (thay vì theo Nghị định 55 chỉ có doanh nghiệp nhà nước), kinh doanh nhiên liệu bay; cho phép áp dụng các công cụ phòng vệ giá phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua mua bán xăng dầu với các đối tác nước ngoài bằng phương thức mua bán hàng hóa tương lai (theo hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn…).
Thứ hai,thể chế hóa một bước về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường bằng việc giao doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán buôn, điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều 27 của Nghị định 84, có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
Thứ ba,đưa ra một số công cụ kinh tế công khai, minh bạch thay thế cho công cụ hành chính trong điều hành kinh doanh xăng dầu như Quỹ bình ổn xăng dầu, giá cơ sở và công thức tính giá cơ sở…
Từ khi Nghị định 84 ra đời và có hiệu lực thi hành, về cơ bản đã vận hành tốt trong thực tiễn kinh doanh xăng dầu (trừ nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu quy định tại Điều 27), góp phần tích cực vận hành ổn định thị trường xăng dầu trong thời gian qua.
Thực tế, thị trường xăng dầu đã có thêm sự tham gia của 3 doanh nghiệp ngoài thành phần nhà nước đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Kinh doanh xăng dầu trong lĩnh vực nhiên liệu bay có thêm 1 doanh nghiệp nhà nước tham gia.
Nếu tính từ năm 2008 đến 2011, một số đầu mối gia tăng được thị phần, như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) tăng thị phần từ 13% lên khoảng 16,4%; Tổng công ty thương mại XNK Thanh Lễ tăng thị phần từ 1,8% lên 5,7%… Nhưng cũng có doanh nghiệp đầu mối bị giảm thị phần như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội từ 5,8% xuống 2,2% năm 2011; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giảm từ 1,2% xuống còn 0,3%...
Giá cơ sở trở thành công cụ hữu hiệu trong điều hành kinh doanh xăng dầu.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu góp phần ổn định giá xăng dầu, trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế.
Tham gia bình ổn giá, doanh nghiệp lỗ 5.000 tỷ đồng chưa được xử lý
Phải thừa nhận Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, do vận hành chưa tốt Điều 27 (giá bán xăng dầu) của Nghị định nên còn có một số bất cập:
Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được quyết định giá bán xăng dầu trong một giai đoạn ngắn (từ khi Nghị định 84 có hiệu lực vào cuối năm 2009 đến tháng 3/2010), còn lại đại bộ phận thời gian giá bán xăng dầu do Nhà nước quyết định.
Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường thay đổi chậm hơn biến động giá thế giới, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở gây nên lỗ tích lũy cho doanh nghiệp.
Chưa có quy định cụ thể để bù đắp những chi phí hợp lý cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, dẫn đến lũy kế số dư Quỹ bình ổn giá của các doanh nghiệp bị âm hơn 2.300 tỷ đồng, khoản lỗ kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 5.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. Điều này gây không ít khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, làm cho vốn của chủ sở hữu đã ít lại càng bị áp lực do khoản vay tín dụng ngày một tăng, khó khăn về vay tín dụng ngân hàng để kinh doanh xăng dầu, khó khăn trong nhận tín dụng mua xăng dầu của đối tác nước ngoài, khó khăn trong việc duy trì ổn định hệ thống phân phối xăng dầu của doanh nghiệp…
Những khó khăn do bị lỗ của doanh nghiệp dẫn đến chi phí hoa hồng cho các tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu bắt buộc phải giảm xuống quá thấp làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối xăng dầu của doanh nghiệp, mất tính ổn định và luôn xáo trộn.
Một số tố thành giá cơ sở đã trở nên lạc hậu (như chi phí định mức được tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào từ năm 2009 nay đã tăng lên đáng kể, như chi phí tiền lương, các khoản chi tính trên lương, chi phí nguyên vật liệu, chi phí tài chính…) nên giá bán lẻ (được tính toán, điều hành qua giá cơ sở) ngày càng xa thực tế.
Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù Nghị định 84 là một bước tiến bộ nhưng thực tế điều hành kinh doanh xăng dầu thời gian qua chưa được vận hành đầy đủ theo quy định tại Nghị định 84, đặc biệt là nội dung điều hành giá xăng dầu, do đó chưa đủ căn cứ, điều kiện để tiến hành rà soát đánh giá toàn diện về thực hiện Nghị định 84.
Do vậy, theo Bộ Công Thương, để đánh giá toàn diện Nghị định 84 cần có thời gian để hoạt động kinh doanh xăng dầu được vận hành đầy đủ, đúng quy định tại Nghị định 84, đặc biệt là nội dung về giá.
Giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước!
Để giải quyết các vấn đề còn bất cập, Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ:
Nhất quán điều hành kinh doanh xăng xăng dầu, đặc biệt điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã quy định tại Nghị định 84. Sau một thời gian vận hành, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan có đánh giá toàn diện Nghị định 84 và đề xuất những nội dung cần bổ sung, sửa đổi.
Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chủ trì về giá, thuế, phí phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh các yếu tố hình thành giá, chi phí bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế; cơ chế vận hành Quỹ bình ổn giá bảo đảm Quỹ được sử dụng hiệu quả, trong phạm vi số dư của Quỹ; có cơ chế giải quyết lỗ kinh doanh xang dầu tồn đọng do doanh nghiệp tham gia thực hiện bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua… thông qua sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới văn bản hướng dẫn Nghị định 84…