Vì sao giá hàng hóa chưa thể “hạ nhiệt” theo giá xăng? “Hạ nhiệt” giá hàng hóa: Cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành |
Cùng với việc giá xăng giảm liên tiếp trong các kỳ điều hành giá vừa qua thì gần đây giá giá gas bán lẻ cũng giảm tháng thứ tư liên tiếp. Tuy vậy giá nhiều hàng hóa tiêu dùng vẫn còn ở mức cao và người tiêu dùng đều đang "trông chờ" việc điều chỉnh giảm giá nhiều loại hàng hóa như hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Các siêu thị luân phiên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi để góp phần bình ổn giá cả, đồng hành cùng người tiêu dùng |
Trao đổi với phóng viên về câu chuyện giảm giá giá hàng hóa, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, giá hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm sẽ giảm nhưng phải có độ trễ nhất định. Lý do được ông Dũng cho biết, giá cả tiêu dùng leo thang do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chứ không riêng xăng dầu. Do vậy, trước mắt chỉ các mặt hàng tươi sống, những nông sản, thực phẩm có vòng đời sản xuất, nuôi trồng ngắn có điều kiện giảm giá ngay.
Ghi nhận thực tế tại các chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, giá hàng hóa nhìn chung chưa có sự điều chỉnh giảm. Đơn cử tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, giá các loại rau củ quả về chợ hiện ổn định, giá không có thay đổi so với hồi đầu tháng 7/2022, giá nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức cao.
Liên quan đến vấn đề giá hàng hóa, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề địa chính trị đang khiến nguồn cung bị đứt gãy, chi phí nhân công, nguyên liệu, logistics… tất cả đều tăng lên đã khiến giá cả tăng cao. Chính vì vậy để giảm giá hàng hóa cũng cần phải có thời gian.
Trong bối cảnh đó, để kéo giảm giá hàng hóa, chia sẻ áp lực với người tiêu dùng, một số siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh cho biết đã nhanh chóng yêu cầu nhà cung cấp tính toán điều chỉnh giảm giá. Đáng chú ý, trong thời gian chờ điều chỉnh, các siêu thị đã chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm thực hiện khuyến mãi để “giảm giá tức thời” cho nhiều sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng hày của người dân.
Chẳng hạn siêu thị Emart đang thực hiện chương trình “Hơn 200 sản phẩm thực phẩm tươi sống giảm giá lớn” với mức ưu đãi lên đến 50%. “Trong bối cảnh các nhà cung cấp vẫn chưa điều chỉnh giảm giá hàng hóa, siêu thị đã chủ động giảm lợi nhuận, tung các chương trình khuyến mãi để kích thích tiêu dùng cũng như chia sẻ khó khăn với người dân”- đại diện của Emart Gò Vấp cho biết.
Trong khi đó, Central Retail ngoài chủ động tham gia các chương trình bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng, áp dụng cho hầu hết các mặt hàng thịt tươi, cá tươi, rau củ quả.
Còn ở hệ thống siêu thị Co.opmart, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, hệ thống bán lẻ này đang thực hiện chương trình siêu ưu đãi giảm giá mạnh nhiều mặt hàng. Theo đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm từ 15- 20%, tập trung vào các mặt hàng rau củ quả trong nước và nhập khẩu, thủy hải sản, thịt heo... Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đã chuẩn bị 850.000 quyển tập học sinh, 33.000 bộ đồng phục học sinh để cung ứng với giá bình ổn thị trường cho người dân thành phố lẫn các tỉnh thành; đồng thời thực hiện giảm giá đặc biệt từ 10-30% cho hàng ngàn mặt hàng dành cho đối tượng học sinh, sinh viên.
“Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, gia vị, các loại thực phẩm khô. Mức dự trữ cho 3 tháng của các nhóm hàng này khoảng 80-100 tấn/siêu thị, mức giảm giá dự kiến từ 10-25%”- ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết thêm.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ, việc thực hiện giảm giá trong thời điểm hiện nay là hoạt động thiết thực nhất họ có thể làm nhằm chung tay kéo giảm giá hàng hóa cho người tiêu dùng.