Nhân lực kỹ thuật cao - “nút thắt” của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo
Theo Bộ Công Thương, hiện số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 3,4% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu ngành chế biến, chế tạo.
Nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ |
Trong số những doanh nghiệp sản xuất linh, phụ kiện tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt, tập trung tại các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí; dây cáp điện, nhựa-cao su, săm lốp các loại…
Một số sản phẩm của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước mà còn cung cấp cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp trong nước sản xuất chủ yếu chỉ là những sản phẩm, linh kiện hoặc bao bì đơn giản. Còn lại những sản phẩm phức tạp đa số lại là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, hoặc phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đây cũng là lý do, nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư tại Việt Nam cho biết, họ không hài lòng với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, vì thế khi đầu tư vào Việt Nam họ thường phải kéo theo các công ty vệ tinh, hoặc tìm nguồn nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam để lắp ráp. Điều này gây ra lãng phí về thời gian, chi phí và cơ hội của doanh nghiệp.
Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách phát triển, tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng cho ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và 2030, đồng thời đưa ra những giải pháp, những ưu đãi cho doanh nghiệp để đạt được mục tiêu.
Bên cạnh hoàn thiện khung chính sách, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, tạo điều kiện để các nhà cung ứng và bên mua hàng có thể trao đổi, gặp gỡ và đi đến những ký kết hợp tác. Mới đây nhất, vào tháng 6/2021, Bộ Công Thương cũng tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2021. Tại đây, 21 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có cơ hội kết nối, giao thương với 48 doanh nghiệp Nhật Bản, mở ra tiềm năng hợp tác lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.
Rõ ràng, có nhiều điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, song ông Akutsu Michio – chuyên gia tư vấn Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản – cho rằng: Những hạn chế mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang phải đối mặt đang làm ảnh hưởng đến khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực này, bao gồm: Năng suất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn quá thấp, trong khi đó một sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh cần đến hàng ngàn linh kiện khác nhau, nếu thiếu một bộ phận, dây chuyền sẽ bị ngừng hoạt động, do đó doanh nghiệp phải đáp ứng được khả năng cung ứng thường xuyên.
Song muốn nâng cao khả năng cung ứng, doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị, nhưng điều này cũng trở nên khó khăn trong bối cảnh nguồn vốn của doanh nghiệp hạn chế, do đa số họ là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam cũng hạn chế… Theo đó, để cải thiện các vấn đề trên, bên cạnh việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần có biện pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào lĩnh vực này.
Với hơn 33.787 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực đang hoạt động tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là những cơ hội tuyệt vời để ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển. |