Nguồn cung sụt giảm, giá lợn hơi vẫn giảm mạnh
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong những ngày cuối tháng 4, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh này liên tục giảm. Nếu như vào ngày 23/4, giá lợn hơi còn ở mức 46.000 đ/kg, thì đến nay chỉ còn trên dưới 40.000 đ/kg.
Một trang trại lợn ở Đông Nam Bộ |
Giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ giảm mạnh, trước hết là do tác động từ việc một lượng không nhỏ lợn hơi từ phía Bắc được chuyển vào Nam do chênh lệch giá khá cao giữa 2 miền. Chẳng hạn, vào ngày 27/4, trong khi giá lợn hơi ở phía Bắc phổ biến ở mức 32.000-36.000 đ/kg, thì tại Đồng Nai, tuy đã giảm so với trước đó nhưng vẫn đang ở mức 42.000-45.000 đ/kg. Trong 10 ngày cuối tháng 4, bình quân mỗi ngày có từ 10-12 xe chở lợn từ các tỉnh phía Bắc đi qua địa phận Đồng Nai để tiêu thụ ở các tỉnh, TP phía Nam. Bên cạnh đó, những thông tin đồn đoán về việc ở Đồng Nai đã xuất hiện một số ổ dịch tả lợn Châu Phi cũng đã góp phần quan trọng trong việc “đẩy” giá lợn hơi xuống.
Điều đáng chú ý là giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ quay đầu giảm mạnh trong bối cảnh nguồn cung lợn hơi ở khu vực này cũng đang giảm ở mức đáng kể. Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, đến cuối tháng 4, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh này chỉ còn trên 2 triệu con, giảm gần 500 ngàn con so với hồi đầu năm. Ông Trầm Quốc Thắng, GĐ HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong cũng cho hay, nguồn cung lợn hơi trong tháng 4 vừa qua đã có dấu hiệu thiếu hụt.
Nguyên nhân giảm mạnh đàn lợn ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung, vẫn là ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc, nhiều hộ, trang trại ở Đông Nam Bộ, sau khi bán “chạy giá”, đã tạm ngưng tái đàn vì e ngại rủi ro khi dịch bệnh lan vào Nam. Giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ giảm mạnh trong tháng 3 (có thời điểm chỉ còn 33.000-34.000 đ/kg ở nhiều địa bàn) do nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng ngại ăn thịt lợn vì thiếu hiểu biết về dịch tả lợn Châu Phi, cũng khiến cho nhiều hộ chăn nuôi trong khu vực đã chủ động giảm đàn hay tạm ngưng tái đàn sau khi xuất bán.