Tổng mức bán lẻ tăng cao nhất ở nhóm hàng hóa phục vụ Tết |
Tăng mạnh do nhóm hàng hóa Tết, du lịch
So với tháng trước, tổng mức bán lẻ tăng cao nhất ở nhóm bán lẻ hàng hóa, du lịch và các ngành hàng phục vụ Tết như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng dụng cụ gia đình, phương tiện đi lại. Còn so với tháng 1/2016, nhóm hàng tăng cao nhất là nhóm du lịch (do các công ty du lịch có khá nhiều tour du lịch giá hấp dẫn cho khách hàng cả trong và ngoài nước dịp Tết và thu nhập của người dân đã cải thiện).
Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng dịp Tết Đinh Dậu 2017, lượng hàng chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10-15%, ước đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng, chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống.... Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua hơn 8.660 chợ, hơn 810 siêu thị và khoảng 160 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, các Hội chợ Xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt.
Do trùng vào tháng Tết, thị trường các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết, đặc biệt là những ngày cận Tết khá sôi động. Nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng nhân dịp này để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tại các đô thị, những mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà... đã phục vụ khá tốt nhu cầu của người dân.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua vẫn có xu hướng tập trung khá lớn do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Nhu cầu những ngày sau Tết giảm hơn, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.
Giá cả ổn định
Cũng theo Bộ Công Thương, do nguồn cung dồi dào, giá cả hàng hóa trong tháng 1 tương đối ổn định. So với cùng kỳ năm 2016, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 1 tăng 5,22%. Trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế là nhóm tăng cao nhất (tăng 56,97%) do việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế theo lộ trình của gần hết các địa phương trong cả nước trong năm 2016 vừa qua và tháng 1/2017; tiếp đến là nhóm giáo dục (tăng 10,35%) do các địa phương cũng điều chỉnh tăng học phí; nhóm giao thông và nhà ở vật liệu xây dựng tăng lần lượt 5,02% và 3,45% do tác động của giá nhóm nhiên liệu năng lượng đang ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; các nhóm còn lại chỉ tăng từ 1,06-2,57%, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,8%.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho hay, để CPI năm 2017 đạt con số Quốc hội giao là không tăng quá 5% so với năm 2016, ngay từ tháng đầu năm, giá các mặt hàng thiết yếu và có sự tác động mạnh đến CPI và đời sống xã hội đã được điều hành chặt chẽ. Đơn cử, dù giá thế giới tăng mạnh nhưng giá mặt hàng xăng dầu trong nước đã được sử dụng quỹ bình ổn để giữ nguyên trong 2 lần điều chỉnh gần đây (cuối tháng 1 và đầu tháng 2), nhờ đó không có tình trạng hàng hóa tăng theo giá xăng dầu.