Thứ hai 23/12/2024 17:41

Người Việt lười sinh con, tuổi kết hôn ngày càng tăng

Tuổi kết hôn tăng và xu hướng ngại sinh con là các yếu tố khiến Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp diễn ra ngày 28/8 tại Hà Nội.

Mức sinh giảm thấp nhất trong lịch sử

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian qua, công tác dân số đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ và duy trì suốt thời gian qua.

Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt...

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số quan ngại khi mức sinh ở nhiều vùng xuống thấp

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.

Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Theo các tỉnh, thành phố, đã có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

Mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7 - 1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (2023).

Theo ông Lê Thanh Dũng, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng.

"Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước", ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.

Độ tuổi kết hôn lần đầu tăng

Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn.

Cụ thể, năm 1999, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là từ 24,1 tuổi; đến năm 2019, tăng lên 25,2 tuổi. Sau 4 năm, đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi.

Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Phụ nữ ở thành thị sinh con muộn và sinh con ít hơn phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Ông Phạm Vũ Hoàng cũng chia sẻ số liệu năm 2023 cho thấy, trung bình những người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Người có trình độ học vấn dưới tiểu học, có mức sinh trung bình 2,35 con, người có trình độ trên phổ thông trung học chỉ đẻ 1,98 con.

"Mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con gia tăng. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở có nhiều bất cập như thiếu trường học, học phí, viện phí cao, không động viên mọi người sinh con…", ông Hoàng phân tích.

Giảm giờ làm, lương đủ sống để tìm bạn đời, tăng mức sinh

Phân tích về những giải pháp đồng bộ về phát triển bền vững các vấn đề xung quanh công tác dân số, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cảnh báo nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như hiện nay.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân khuyến cáo cần thay đổi chính sách tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con.

Ông đề xuất chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống. Tức mỗi cặp vợ chồng phải có thu nhập nuôi được 2 con, cho 2 con ăn học đàng hoàng. Bên cạnh đó, thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày; 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và có thời gian cho sở thích riêng tư.

Cùng với đó, thị trường nhà ở cần sự hỗ trợ và giám sát của Nhà nước để người lao động thuê, mua được nhà với giá chấp nhận. "Không để việc không có nhà trở thành một điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn", ông Nhân nói.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non với trẻ từ 3 tháng tuổi - 5 tuổi để cha mẹ có điều kiện làm việc và phát triển sau sinh con nhỏ; phát triển hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập để phổ cập tiểu học, Trung học cơ sở và phổ cập nghề.

Phải có "sự chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thật sự"... Đặc biệt, ông Nhân mong Nhà nước có chương trình hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh sinh con, phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng thường trực Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII, đó là "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển".

Để thực hiện nhiệm vụ này, theo đề nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc theo Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sở Y tế, cơ quan dân số các cấp nỗ lực hơn nữa, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao để hoàn thành các mục tiêu mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và đặc biệt là Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp; do vậy, Bộ Y tế rất mong các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Cục Dân số tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các ý kiến của các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo làm cơ sở để tham mưu, đề xuất các giải pháp can thiệp ứng phó với mức sinh thấp mang tính khả thi, hiệu quả trong thời gian tới, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, đặc biệt là trong xây dựng dự thảo Luật Dân số và Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội.

Trước xu hướng biến động mức sinh hiện nay, theo ông Tuyên, Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể ứng phó, ngăn chặn xu hướng giảm sinh nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.

Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.

Thảo Nguyên
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Y tế

Tin cùng chuyên mục

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

Bộ Công Thương hoà cùng ‘dòng chảy’ chống lãng phí, tạo đột phá phát triển trong kỷ nguyên mới

Đường dây 500kV mạch 3: 'Chiến dịch' thần tốc, tiết kiệm và hiệu quả

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn chỉ ra 4 giải pháp để phòng, chống lãng phí nguồn lực

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Nhân sự Trung ương: Thông tin về tổ chức nhân sự tại Quân chủng Hải quân

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người