Người lao động ngành Công Thương: Đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới
"Tình hình mới đặt ra những yêu cầu rất mới về chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, CNLĐ ngành Công Thương phải bằng mọi cách, từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và ngành nói riêng và phù hợp với xu thế của CMCN 4.0" - ông Trần Quang Huy nhận định.
Công nhân lao động ngành Công Thương làm chủ công nghệ |
Để xây dựng giai cấp CNLĐ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thích ứng với thời đại 4.0, CĐCTVN đã tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho đội ngũ CNLĐ.
Bên cạnh chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao trình độ chuyên môn cho CNLĐ thông qua việc tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt công nhân được học tập, đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp.
Cùng với việc tạo khí thế trong lao động, sản xuất, các cấp công đoàn trong ngành còn chú trọng thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo". "Hàng năm, lực lượng CNLĐ ngành Công Thương đã đóng góp hàng trăm ý kiến, sáng kiến cải tiến trên các lĩnh vực sản xuất góp phần giảm cường độ lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận cho các đơn vị doanh nghiệp" - Chủ tịch CĐCTVN cho hay.
Điển hình như sáng kiến "Chuyển đổi bánh tỳ giữ lô cuộn trên máy xeo I" của anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó quản đốc Phân xưởng sửa chữa thiết bị cơ khí và vận tải, Xí nghiệp bảo dưỡng, Tổng công ty Giấy Việt Nam. Theo đó, khi chưa có sáng kiến của anh Tuấn, lượng giấy phải xả quay lại đầu dây chuyền khá nhiều do công đoạn cuộn lại từ cuộn giấy to thành các khổ giấy theo yêu cầu khách hàng khi cuộn đến phần giấy bị nhăn trong lõi mỗi cuộn đều phải để lại do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Do phần giấy để lại trong lõi mỗi cuộn nhiều từ đó gây ra lãng phí.
Trong quá trình chỉ đạo công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cơ khí tại phân xưởng giấy khi phát hiện ra sự lãng phí trên, anh Tuấn đã nghiên cứu, tìm hiểu và đã tìm ra nguyên nhân do thiết kế ban đầu bánh tỳ nhỏ để quay được trong khe của cần hãm, nên thời gian để cuộn giấy tiếp xúc với bánh tỳ bên dưới khi hạ xuống thành máy lâu và khi tiếp xúc không đều làm cho phần giấy tại vị trí đó bị nhăn dẫn đến bị nhăn trong lõi mỗi cuộn. Theo tính toán của Tổng công ty Giấy Việt Nam, giá trị làm lợi một năm từ sáng kiến của anh Tuấn là 1,8 tỷ đồng.
Có thể nói, đội ngũ CNLĐ ngành Công Thương ngày càng khẳng định được vị thế, cũng như vai trò trong phát triển lao động, sản xuất, bằng nhiều sáng tạo, giải pháp kỹ thuật được áp dụng hiệu quả. Với sự nỗ lực của các thế hệ CNLĐ toàn ngành, đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị của ngành.