Quảng Nam: Bán 65kg sâm, thu về gần 9,5 tỷ đồng từ phiên chợ sâm Ngọc Linh Xây dựng Nam Trà My thành trung tâm giống dược liệu quý hiếm của quốc gia |
Tỷ phú trên đỉnh Ngọc Linh
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ ông Nguyễn Văn Lượng – người đồng bào Xơ-đăng (trú thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) phải tự mình bươn chải, kiếm sống.
Ông Lượng kể ông đã gắn với cây sâm Ngọc Linh từ khi còn là cậu thanh niên. Lúc đó ông đã biết đi tìm củ sâm trong rừng về bán và chọn giống sâm để trồng.
Năm 2000, khi cây sâm có giá trị, ông Lượng bắt đầu chọn khu vực trồng sâm tập trung dưới tán rừng.
Những năm tiếp theo, số tiền thu từ việc bán cây sâm Ngọc Linh tăng lên, ông Lượng đã đứng ra thành lập tổ trồng sâm thu hút một số hộ gia đình trong nóc Măng Lùng tham gia. “Khi giá trị cây sâm được nâng lên, vùng trồng sâm xuất hiện tình trạng trộm cắp nên tôi đã thành lập các chốt sâm, kêu gọi người dân cùng tham gia trồng và túc trực bảo vệ 24/24”, ông Lượng cho hay.
Hiện ông Nguyễn Văn Lượng sở hữu vườn sâm khoảng 30ha. Ảnh: NVCC |
Sau hàng chục năm ăn ngủ trong rừng để trồng sâm, đến nay, anh Nguyễn Văn Lượng có vườn sâm khoảng hơn 30ha, trở thành tỷ phú trên đỉnh Ngọc Linh và gặt hái nhiều thành quả với loại dược liệu quý này.
Những cây sâm lớn từ 5-7 tuổi đã cho thu hoạch hạt, lá, và củ. Mỗi năm, bình quân ông thu về hàng chục tỷ đồng. “Mỗi năm vườn bán khoảng 100 ký sâm, 500-600 nghìn hạt, 500 kg lá. Số tiền thu về tôi sẽ tái đầu tư, nhân giống, mở rộng diện tích”, ông Lượng chia sẻ.
Theo giá hiện nay, sâm tươi Ngọc Linh hiện dao động từ 60 triệu đồng đến khoảng 200 triệu đồng/kg tùy theo loại. Giá lá sâm Ngọc Linh dao động 10 - 12 triệu đồng/kg, hoa sâm 15 - 17 triệu đồng/kg, hạt sâm có giá 80 - 100 triệu đồng/1.000 hạt.
Vườn sâm Ngọc Linh của ông Lượng. Ảnh: NVCC |
Hỗ trợ sâm giống cho người dân
Không chỉ phát triển trồng sâm của riêng mình, ông Lượng còn chia sẻ cây sâm giống, hỗ trợ kỹ thuật để người dân cùng trồng sâm, vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, ông Lượng tạo việc làm ổn định cho hơn 100 người dân địa phương với mức tiền công khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ cây giống hằng năm cho bà con để cùng nhau trồng sâm trong chốt, bảo vệ rừng.
“Trước đây xã Trà Linh nói riêng và huyện Nam Trà My nói chung rất khó khăn, còn nhiều hộ nghèo, nhờ Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ cho vay vốn, cùng với việc bà con chung tay trồng và phát triển sâm Ngọc Linh, đến nay đời sống người dân đã cải thiện rõ rệt”, ông Lượng chia sẻ.
Ông Lượng cho biết nhờ trồng sâm Ngọc Linh, đến nay đời sống người dân đã cải thiện rõ rệt |
Theo ông Lượng, mới đây Chính phủ vừa ban hành “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045”, việc đó sẽ giúp bà con yên tâm tiếp tục trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh, từng bước đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm của quốc gia. Bên cạnh đó, ông cũng mong nhà nước sớm cho phép bà con thực hiện trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng. Đồng thời, có các cơ chế hỗ trợ phát triển. nhất là nguồn vốn vay để bà con có thể đầu tư mở rộng phát triển dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Lượng cùng Lương y - Dược sỹ Đào Kim Long (người đầu tiên phát hiện giá trị sâm Ngọc Linh). Ảnh: NVCC |
Ngoài việc trồng sâm, bản thân ông Lượng luôn đau đáu chuyện giữ rừng, vì vậy suốt mấy mươi năm bám núi trồng sâm, ông luôn dành thời gian để trồng lại rừng, vừa muốn có hình thức để bảo vệ rừng; vừa giữ môi trường để cây sâm được phát triển.
Người Xơ-đăng sống trên núi Ngọc Linh quan niệm, trồng rừng không chỉ để giữ núi, mà trồng rừng còn là để bảo vệ những vườn sâm quý. Đối với ông Nguyễn Văn Lượng và đồng bào của mình, rừng thực sự rất cần và rất quý, vì đời sống của đồng bào ở đây là phải gắn bó với rừng.
Ông Lê Thanh Hưng – Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện miền núi Nam Trà My đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810 ha, với khoảng hơn 3 triệu cây. Thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với năm 2003. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 45%. |