Người dân lo ngại đại lý gạo lợi dụng tin đồn để "thổi giá"
Sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, nhiều tin đồn lo ngại sẽ tác động mạnh đến tình hình giá gạo trong nước và nguồn cung gạo sẽ gặp khó. Điều này đã khiến giá gạo trên thị trường trong nước thời gian qua có sự biến động tăng.
Theo khảo sát của phóng viên, mức giá bán các loại gạo tăng từ 15-20% trong những ngày đây. Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội cho thấy, giá gạo Tám Lùn, Thơm Thái hiện bán 19.000 đồng/kg, Bắc Hương 18.000 đồng/kg, Tám Hải Hậu 22.000 đồng/kg, Tám Campuchia 25.000 đồng/kg…
Các tiểu thương cho biết, tất cả các loại gạo đều lên giá trong vài tuần gần đây. Một số loại gạo còn thay đổi giá liên tục theo ngày, điều này khiến họ không kịp cập nhật giá mới. Chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, thời gian gần đây giá gạo lên nhanh, mỗi lần tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. Theo chị Hoa, những lần tăng giá gạo đợt này còn tăng nhanh hơn thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nếu nhập được hàng bán đã là tốt, khi thời điểm này nhiều đầu mối không muốn bán gạo để “găm” hàng.
“Việc giá gạo liên tục thay đổi khiến chúng tôi gặp khó khi bán hàng và mình không thể liên tục cập nhật giá mới theo từng ngày, từng giờ cho họ được”, chị Hoa chia sẻ.
Giá gạo thời gian qua tăng lên đã tác động trực tiếp đến người tiêu dùng |
Trước tin đồn khan hiếm nguồn cung và giá bán gạo tăng lên, không khó lý giải việc nhiều người dân lo lắng và đi mua dự trữ. Bà Trần Thị Mai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy mọi người bảo giá gạo đang tăng, không biết có phải là do các đại lý tự ý tăng giá hay không. Dù giá gạo có tăng lên khoảng 2.000 đồng/kg, nhưng do nhà đông người nên tôi phải đi mua 3 bao gạo 50kg để ăn dần”.
Cũng giống như bà Mai, chị Nguyễn Thị Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) những ngày qua đã nắm bắt thông tin từ hàng xóm về việc giá gạo tăng và đi mua dự phòng. Theo chia sẻ của chị Hoa, chị cũng chưa biết tình hình nguồn cung gạo theo diễn biến như thế nào, nhưng từ nhà ra chợ, mọi người đều kháo nhau rằng phải “ôm” gạo ngay không lúc muốn mua cũng khó. Thế nhưng, nhiều khách hàng như chị Hoa cũng đang lo ngại các đại lý bán gạo sẽ lợi dụng thông tin này để đầu cơ, "thổi giá" cao.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người dân chỉ nắm bắt thông tin lo sợ nguồn cung gạo trong nước sẽ khan hiếm qua... tin đồn. Theo một số đơn vị cung ứng gạo trong nước cho biết, việc giá gạo cùng lượng tiêu thụ tăng vì tin đồn và tâm lý, chứ không hề do nhu cầu tăng. Nguồn cung gạo cho thị trường tiêu dùng trong nước vẫn rất lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, hiện chưa có một thông báo hay phân tích chính thức nào về việc một số nước cấm xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng ra sao tới thị trường Việt Nam, và tâm lý lo ngại của người tiêu dùng đang đẩy giá gạo trong nước tăng lên. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, dù gạo là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng an ninh lương thực luôn được quan tâm hàng đầu. Các cơ quan quản lý Nhà nước chắc chắn đã tính toán rất kỹ các yếu tố trong bối cảnh hiện nay. Bởi vậy, người dân cần yên tâm vào nguồn cung tiêu dùng trong nước, tránh để giá gạo bị “sốt ảo”.
Trên thực tế, trường hợp người dân có tâm lý lo lắng và "đổ xô" đi mua hàng hóa dự trữ trước những tin đồn khan hiếm nguồn cung không phải là chuyện hiếm. Điều này không chỉ gây rối loạn thị trường và mà còn ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân. Bởi vậy, trước những thông tin liên quan đến việc cung ứng gạo trong nước, người dân cần nhận định, đánh giá và chắt lọc những tin chính thống, tránh chạy theo tin đồn hay tâm lý đám đông.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các đại lý bán gạo cũng cần nắm bắt thông tin, diễn biến thị trường một cách đầy đủ, chính xác và không nên “ôm” hàng để đầu cơ "thổi giá", vì đã có rất nhiều bài học nhãn tiền khi kinh doanh theo kiểu “chộp giật”, sau đó bị “vỡ trận” khi ế hàng, phải bán tháo thu hồi vốn.
Ngày 08/8/2023, Tổng cục Quản lý thị trường ban hành công văn số 1711/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung – cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường. Công văn cũng yêu cầu, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm gàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. |