Người dân cần lưu ý những gì khi làm thẻ thu phí tự động ETC ?
Nhiều giấy tờ cần lưu ý để tránh bị xử phạt
Trước đó, ngày 27/6/2022, Thông báo số 186/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng cho biết: Từ 1/8/2022, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương sẽ phải triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả tuyến cao tốc.
Điều này có nghĩa là từ 1/8 tới đây, nếu muốn lưu thông trên các tuyến cao tốc thu phí tự động, các phương tiện sẽ phải thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối hay - tức dán thẻ thu phí tự động ETC. Theo điểm c khoản 4 và điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Do đó, để tránh bị phạt, các chủ phương tiện cần lưu ý một số điều sau khi dán thẻ thu phí tự động không dừng. Hiện tại ở Việt Nam có 2 công ty chính cung cấp dịch vụ này là VETC và VDTC (ePass). Cả 2 đều liên kết với các trạm ETC nên khách hàng có thể lựa chọn bất kỳ công ty nào để đăng ký dịch vụ.
Hệ thống thu phí không dừng của VDTC (ảnh TTXVN) |
Tại khoản 2, Điều 9, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, các phương tiện có thể thực hiện việc gắn thẻ thu phí không dừng tại: Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại lần kiểm định gần nhất. Các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền; ngay khi qua trạm thu phí ETC
Bên cạnh đó, người sử dụng ô tô cần mang theo các giấy tờ cần thiết để làm thẻ thu phí tự động ETC như: Giấy phép đăng ký kinh doanh nếu là chủ doanh nghiệp. Giấy đề nghị mở tài khoản theo form mẫu có sẵn trên website/ app ePass hoặc biểu mẫu đăng ký tại các điểm làm thẻ của VDTC. Số công văn, quyết định (nếu là cơ quan nhà nước). Chứng minh thư/ Thẻ căn cước/ Hộ chiếu (Người đại diện hoặc người được ủy quyền): Bản photo hoặc bản sao công chứng còn hiệu lực. Giấy ủy quyền (nếu không phải là người đại diện). Đăng ký xe: Bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực. Đăng kiểm xe: Bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực. Giấy vay ngân hàng: nếu là xe trả góp cần có xác nhận từ phía ngân hàng.
Mặt khác, các chủ phương tiện có thể thực hiện đăng ký dịch vụ dán thẻ ETC tại nhà đối với thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam hoặc thẻ e-Tag của VETC của Công ty TNHH thu phí tự động VETC.
Hệ thống thu phí tự động của VETC (ảnh TTXVN) |
Các đơn vị trên đang hỗ trợ miễn phí dán thẻ thu phí tự động cho khách hàng lần đầu kích hoạt tài khoản thu phí không dừng. Đối với khách hàng dán thẻ lần 2 trở đi thì mức phí là 120.000 đồng/thẻ.
Ngoài ra người sử dụng phương tiện cũng một số lưu ý cần thiết khi sử dụng thẻ ETC đó là: Cân nhắc vị trí thẻ. Thông thường thẻ thu phí tự động có thể dán ở 2 vị trí trên phương tiện là mặt trong kính lái và mặt ngoài chóa đèn pha. Mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng, người dùng nên cân nhắc lựa chọn vị trí dán phù hợp. Đặc biệt, hiện cũng có không ít trường hợp người dùng đã dán thẻ thu phí tự động nhưng quên nạp tiền vào tài khoản, khiến cho thanh chắn tại trạm thu phí không mở lên và gây ùn tắc giao thông cho phương tiện phía sau. Việc quên nạp tiền cũng có thể bị xử phạt theo pháp luật. Nghị định 100/2021/NĐ-CP quy định xe chưa đăng ký thu phí tự động hoặc tài khoản không đủ tiền đi vào làn đường dành riêng ETC sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
VDTC (ePass) có tính năng liên kết với ví điện tử Viettel Pay, người dùng nên cân nhắc sử dụng tính năng này để không cần lo lắng về việc tài khoản thu phí tự động còn tiền hay không. Đối thủ VETC hiện vẫn chưa hỗ trợ liên kết ví điện tử, khách hàng chỉ có thể nạp tiền thông qua hình thức chuyển khoản hoặc thông qua các cổng thanh toán trực tuyến.
Từ ngày 1/8 nếu tái phạm sẽ xử phạt nghiêm
Theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cho biết: Đến thời điểm này, VETC đã dán được 1,9 triệu xe; còn VDTC đã dán được khoảng 1,4 triệu xe (cả nước hiện có gần 5 triệu xe ôtô được phép lưu hành - PV). Theo thống kê của VETC, mỗi ngày trên cả nước có khoảng 6.000 lượt phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Riêng ở khu vực TP.HCM, trung bình mỗi ngày VETC dán khoảng 2.000-3.000 lượt xe.
"Trong số các tuyến cao tốc, hiện chúng tôi lo lắng nhất vẫn là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do mới đưa vào khai thác làn thu phí không dừng, nên số lượng phương tiện dán thẻ ở tuyến này còn rất thấp, khoảng 40-45% (khu vực Hà Nội khoảng 65-70%). Với tỷ lệ dán thẻ thu phí không dừng ở khu vực TP. Hồ Chí Minh còn thấp nên dễ gây ùn tắc giao thông ngày đầu tiên do có lưu lượng phương tiện lớn", ông Vinh lo lắng.
Để sẵn sàng cho việc triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng từ ngày 1/8 tới, VEC và nhà cung cấp dịch vụ VETC đã thực hiện phương án xử lý các tình huống tránh gây ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến. Theo đó, nếu nhân viên thu phí phát hiện phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC sẽ nhắc nhở và hướng dẫn đỗ vào lề đường bên phải dán thẻ, đồng thời hướng dẫn chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông. Hiện nay, ở các trạm thu phí đường cao tốc, VETC đã cử khoảng 10 người tham gia hỗ trợ tại tất cả các tuyến ra vào đường cao tốc.
Từ ngày 1/8, trên tất cả các tuyến cao tốc sẽ triển khai hệ thống thu phí không dừng |
Ông Hồ Trọng Vinh cũng đề nghị các chủ phương tiện khi lưu thông vào đường cao tốc cần phải dán thẻ thu phí không dừng và kiểm tra số dư tài khoản thanh toán trước khi vào cao tốc, tránh việc vi phạm theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
"Trường hợp chủ phương tiện đi vào cao tốc một lần đã được nhắc nhở, nếu từ 1/8 vẫn tái phạm chưa dán thẻ, không sử dụng dịch vụ thu phí tự động sẽ được hệ thống lưu cảnh báo, gửi lực lượng CSGT xử phạt. Ôtô đi vào cao tốc không đủ điều kiện thu phí ETC sẽ bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng", ông Hồ Trọng Vinh lưu ý.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng trên toàn quốc, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương tiếp tục chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ôtô, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí ETC. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ ôtô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, không sử dụng tiền mặt kể từ ngày 1/8.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt việc dán thẻ định danh cho xe, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện. Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại các trạm thu phí số điện thoại, địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho việc dán thẻ cũng như tiếp nhận phản ánh của người tham gia giao thông.
Các đơn vị đăng kiểm, nhà đầu tư hạ tầng giao thông có thu phí phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện dán thẻ định danh cho xe khi đến đăng kiểm; nghiên cứu phương án dán thẻ là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm xe cơ giới đường bộ.
Nghiên cứu mở kênh giao tiếp điện tử và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của hệ thống thu phí ETC.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tiết giao thông tại khu vực trạm thu phí ETC; xử phạt nghiêm nếu cố tình vi phạm hoạt động thu phí ETC, gây mất trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong giai đoạn sau ngày 1-8.
Sau thời gian này, các trạm thu phí chấm dứt làn thu phí thủ công để chuyển sang thu phí ETC và chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp tại mỗi trạm.
Trường hợp phát hiện bất cập của hệ thống thu phí ETC gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông bình thường của xe thì phản ánh ngay với nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các cơ quan thẩm quyền.