Người bệnh sốt xuất huyết nên tắm, gội như thế nào cho đúng cách?
Nhận diện các cấp độ sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue. Đây là bệnh lây truyền khi muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, xuất hiện trên 100 nước với 50 - 100 triệu ca mắc mỗi năm trên toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới đã ra tuyên bố “Thế kỷ 21 là thế kỷ phòng chống bệnh sốt xuất huyết”.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue |
Theo các chuyên gia y tế, những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, khiến người bệnh nhầm tưởng, thậm chí chủ quan. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết có khi giống với Covid-19 nên dễ bỏ sót.
Vì vậy, các chuyên gia đã chỉ ra biểu hiện nhận diện sốt xuất huyết ở từng cấp độ:
Cấp độ sốt xuất huyết nhẹ: Thường xuất hiện ở người lần đầu tiên mắc bệnh, vì chưa có miễn dịch với virus dengue. Đây là mức độ có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt, kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như sốt cao, lên đến 40,5 độ C; đau đầu nghiêm trọng; đau phía sau mắt; đau khớp và cơ; buồn nôn và ói mửa; phát ban.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
Sốt xuất huyết nặng: Ở mức độ này, các dấu hiệu sốt xuất huyết bao gồm tất cả các triệu chứng của dạng sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị khẩn cấp, thậm chí gây tử vong.
Sốc sốt xuất huyết: Là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Thể bệnh này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi trẻ em và người lớn đã có miễn dịch chủ động do đã từng mắc bệnh; hoặc thụ động do mẹ truyền sang đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 - 5 ngày (giai đoạn hạ sốt).
Sốc sốt xuất huyết thường phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ nhỏ ở người lớn. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Người bệnh cần tắm gội như thế nào?
TS. BS Vũ Minh Điền - Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết: Những người mắc sốt xuất huyết thường rất mệt mỏi nên có tâm lý không tắm để tránh bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, khi bị sốt, sức đề kháng sẽ giảm, việc không vệ sinh đúng cách có thể dẫn tới bội nhiễm, nguy cơ sốc, suy đa phủ tạng.
Cùng quan điểm với TS. BS Vũ Minh Điền, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo, nếu sốt xuất huyết thế nhẹ, bệnh nhân có thể tắm bình thường nhưng lưu ý không tắm và ngâm người trong nước quá lâu, nên tắm với nước có độ ấm vừa phải, tuyệt đối không tắm với nước lạnh.
Còn nếu gội đầu, đặc biệt với nữ bệnh nhân có mái tóc dài, dày thì nên sấy khô, tránh để tóc ẩm quá lâu khiến cơ thể bị lạnh.
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý với trường hợp sốt xuất huyết giảm tiểu cầu thì cần tránh kỳ, cọ người mạnh vì sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp ở dưới da màu đỏ hoặc gây bầm tím; bệnh nhân bị chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, thì tốt nhất không nên tắm, chỉ nên dùng khăn ấm lau người.
Như vậy, tùy từng trường hợp bệnh nặng hay nhẹ và phụ thuộc vào giai đoạn bệnh để quyết định bệnh nhân có nên tắm hay không. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bệnh nhân phải tắm, gội hoặc lau người tắm bằng nước ấm, tuyệt đối không dùng nước lạnh. Việc dùng nước lạnh sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia dịch tễ dự báo, chu kỳ 4 - 5 năm sốt xuất huyết dengue lại gây ra trận dịch lớn. Năm 2019, trận dịch này bùng phát với hơn 300.000 ca mắc, riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 65.000 ca. Nếu theo đúng chu kỳ, năm 2022 sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết mới. |